Văn Viết Đức - nhà vô địch của xóm chợ nghèo
[ Ngày đăng: 17/08/2015 21:25:14, lượt xem: 1560 ]

TTO - Người dân tỉnh nghèo Quảng Trị tự hào về nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia Văn Viết Đức không chỉ bởi Đức học giỏi, mà bởi Đức còn là học sinh đầu tiên mang vòng nguyệt quế về cho miền quê này.

 


            Đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT Quảng Trị tặng hoa cho Văn Viết Đức - Ảnh: Quốc Nam  

Đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT Quảng Trị tặng hoa cho Văn Viết Đức - Ảnh: Quốc Nam  

Trưa 17-8, Văn Viết Đức, nhà vô địch cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm 2015, đã về đến Quảng Trị. Trường THPT thị xã Quảng Trị đã dành cho em một lễ đón đầm ấm.  

'Con cưng" của xóm chợ nghèo

Đức sinh ra trong một gia đình có cuộc sống bình thường. Cha Đức, ông Văn Viết Lợi, đang công tác tại Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông. Còn mẹ Đức là giáo viên tiểu học tại xã Triệu Thượng.

Căn nhà đơn sơ của em nằm ngay sát bên chợ Long Hưng thuộc thôn Long Hưng, xã Hải Phú, Hải Lăng (Quảng Trị) và em được xem là niềm tự hào của xóm chợ này.

Ngay từ thời còn học cấp 2, Đức đã làm xóm chợ này “nở mày nở mặt” khi mang về một huy chương bạc quốc gia về giải toán trên máy tính và huy chương vàng quốc gia về thi giải toán trên mạng.

Ngày đó, câu chuyện về cậu học trò tên Đức “tồ” đã được các o, các dì trong khu chợ xép này kể suốt ngày. Và họ cũng luôn lấy đó làm gương răn dạy con cái mình. Lên cấp ba, Đức càng cho thấy mình có duyên với các giải thưởng khi tiếp tục mang về hai giải nhất thi tỉnh môn toán.

Một giải nhất năm em học lớp 11 và một giải nhất năm lớp 12. Bà Duyên, một tiểu thương, chia sẻ Đức như con cưng của xóm chợ vì sự gần gũi và thông minh.

“Thỉnh thoảng cứ đi học về là Đức chạy ra trước chợ chơi. Khi mấy o, mấy dì cần bưng bê gì là cháu lao vào giúp. Ngày Đức thi chung kết, cả chợ quên cả buôn bán xúm vào cái tivi cũ của một tiểu thương trong chợ theo dõi. Đức thi đến 12g là đến giờ đó xóm chợ mới lo cơm nước” - bà Duyên nói.

Văn Viết Đức về trường trong sự vui mừng của các thầy cô - Ảnh: Quốc Nam
Văn Viết Đức về trường trong sự vui mừng của các thầy cô - Ảnh: Quốc Nam

Chiến thắng nhờ công lao các thầy cô 

Lúc Đức từ Hà Nội về, các thầy cô đón về trường, đến đầu giờ chiều Đức mới về nhà được. Suốt từ trưa nghe tin Đức về, các tiểu thương trong chợ lâu lâu chạy qua nhà thăm em. 

“Mười mấy năm ni mới có một người. Lại là con dân của xóm chợ này. Không nóng lòng sao được” - một tiểu thương nói.

Người nóng ruột nhất là bà Trần Thị Mỹ, mẹ Đức. Ngày Đức đi Hà Nội thi, mẹ Đức phải ở nhà lo cho hai em. Đúng ngày em vào thi chung kết, bà nội Đức phải nhập viện mổ nên bà Mỹ phải lên bệnh viện chăm. Mấy ngày con đi thi, bà Mỹ cũng chỉ gọi điện thoại cho Đức được vài lần.

Khi con giành được vòng nguyệt quế vinh quang, bà Mỹ cũng run lên vì vui sướng. Nhưng ngay sau đó bà tự dằn lòng. Bà cũng khuyên con không nên ngủ quên trên vinh quang mà hãy trở về lại là chính mình.

“Đức vốn là một chàng trai bình dị của xóm chợ này. Nên dù có là nhà vô địch hay gì đi nữa thì cũng chỉ là chàng trai bình thường của xóm chợ xép nghèo này” - bà Mỹ tâm sự.

Thầy Nguyễn Tiến Dũng, hiệu trưởng Trường THPT thị xã Quảng Trị, nói trước khi đi thi, ban giám hiệu nhà trường chỉ mong Đức vào được chung kết năm bởi khi đó sẽ có cầu truyền hình về Quảng Trị. Chừng đó là đủ để thầy trò mãn nguyện.

Không ai ngờ Đức vô địch. Trước đó suốt gần một năm học lớp 12, từ khi Đức chiến thắng ở vòng thi quý để chắc chắn có mặt trong vòng chung kết năm, toàn thể nhà trường đã tạo mọi điều kiện để Đức có kiến thức tốt nhất đi thi. Thầy Đào Tuấn Hòa, chủ tịch công đoàn trường, kể nhà trường đã phải cử riêng 10 thầy cô trẻ làm nhiệm vụ hỗ trợ kiến thức cho Đức.

"Theo đó, mỗi thầy cô sẽ phụ trách một lĩnh vực. Mỗi người sẽ tìm hiểu và tuyển tập lại thành hệ thống các kiến thức liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách.

Những kiến thức này được tổng hợp dưới dạng câu hỏi chuyển qua cho Đức ôn tập. Ngoài ra, Đức cũng tự tìm tòi theo cách học riêng của mình. Nhờ thế mới chiến thắng” - thầy Hòa cho biết.

Nói về chặng đường trước mắt, bà Mỹ nói theo kế hoạch, Đức sẽ dành một năm học tiếng Anh trước khi sang Úc du học theo học bổng của chương trình.

Tuy chưa xác định được tương lai cụ thể nhưng bà Mỹ quả quyết: “Ở nước ngoài có thể sẽ có điều kiện hơn, nhưng tôi sẽ khuyên con về nước. Bởi không đâu bằng nhà mình” - bà Mỹ cười.

QUỐC NAM

http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20150817/nha-vo-dich-cua-xom-cho-ngheo/953619.html