VÀI NÉT VỀ HỘI THI GIÁO VIÊN DẠY GIỎI TỈNH BẬC HỌC MẦM NON - NĂM HỌC 2017- 2018
[ Ngày đăng: 18/01/2018 15:38:10, lượt xem: 2596 ]

 

TS Lê Thị Hương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và NGUT Nguyễn Thị Thu Thuỷ

trao giấy Chứng nhận Giáo viên dạy giỏi bậc học Mầm non cho GV

Thực hiện nhiệm vụ năm học 2017- 2018, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học góp phần thực hiện thắng lợi NQ29/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị đã tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi bậc học mầm non, cấp tỉnh năm học  2017- 2018. Hội thi được tổ chức tại TP Đông Hà bắt đầu từ ngày 02/01 đến ngày 16/01/2018, sau 2 tuần làm việc nghiêm túc, với tinh thần khẩn trương, khoa học, Hội thi đã thành công tốt đẹp. Khoa Giáo dục Mầm non trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị cũng đã tham gia trong Hội đồng thi lần này.

         Sau đây là toàn văn báo cáo đánh giá Hội thi của đ/c Võ Thị Loan- Trưởng phòng Giáo dục Mầm non- Sở Giáo dục Đào tạo Quảng Trị:

 BÁO CÁO

Đánh giá Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp học mầm non

Năm học 2017 – 2018

Thực hiện nhiệm vụ năm học 2017- 2018, hòa cùng chuỗi các hoạt động lớn của ngành chào mừng 35 năm ngày NGVN, để không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học góp phần thực hiện thắng lợi NQ29/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo  tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non, cấp tỉnh năm học  2017- 2018. Hội thi được tổ chức tại TP Đông Hà bắt đầu từ ngày 02/01/2018, sau 2 tuần làm việc nghiêm túc, với tinh thần khẩn trương, khoa học, Hội thi đã thành công tốt đẹp. Để đánh giá việc tổ chức cũng như rút kinh nghiệm hội thi, thay mặt BTC, Hội đồng giám khảo, xin đánh giá hội thi như sau:

I. Đánh giá về việc chuẩn bị cho hội thi

- Để chuẩn bị cho Hội thi cấp tỉnh, ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT đã đưa nội dung thi GV dạy giỏi vào nhiệm vụ năm học và đã có 2 công văn hướng dẫn cụ thể việc tổ chức hội thi, cách đánh giá từng hoạt động, nội dung thi, thời gian thi để các đơn vị chủ động triển khai thực hiện.

- Kỳ thi năm nay, được lấy ý kiến từ nhiều góp ý của các đơn vị, và được đánh giá là kỳ thi được tổ chức khoa học, hợp lý; có sự chỉ đạo hết sức chặt chẽ, sâu sát của các cấp lãnh đạo; có nhiều đổi mới trong quá trình tổ chức và đã giảm tải nhiều áp lực cho đội ngũ.

          - Việc tổ chức thi tập trung tại một điểm là hình thức phù hợp với cấp học, tạo điều kiện cho CBQL, GV các huyện, thị xã, thành phố có cơ hội giao lưu học hỏi lẫn nhau.

- Các hoạt động được lựa chọn trong các chủ đề, với 2 nội dung tự chọn và bắt buộc và được thông báo trước cho giáo viên đã tạo ra sự phong phú về nội dung với đầy đủ các đề tài khác nhau, làm cho hội thi lần này trở nên thuận lợi hơn, hấp dẫn hơn đối với đội ngũ giáo viên mầm non về dự thi.

- Về địa điểm tổ chức hội thi: Trường CĐSP và 9 trường mầm non tại TP Đông Hà đã chuẩn bị địa điểm thi hết sức chu đáo đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để Hội thi diễn ra thuận lợi và thành công tốt đẹp.

- Về đối tượng: Tổng số GV đăng ký tham gia hội thi 132 người, 100% GV đảm bảo điều kiện theo quy định.  Trong đó, giáo viên có trình độ ĐH 129, tỷ lệ 93.02%; GV có trình độ trung cấp 3, tỷ lệ 2.27%; GV biên chế 126, tỷ lệ 95.45%; NBC 6, (4,54%); GV có tuổi đời cao nhất 50 tuổi, trực tiếp dạy trẻ 27 năm; GV có tuổi đời trẻ nhất 25 tuổi trực tiếp dạy trẻ 3 năm. Có 1 GV là nam, thuộc vùng đặc biệt khó khăn dự thi.

- Đặc biệt, dự thi lần này có nhiều gương mặt tiêu biểu đại diện cho các trường mầm non vùng khó, vùng sâu, vùng xa… hơn 15 năm qua chưa tham gia hội thi ở cấp tỉnh như: MN A Xing, MN Hướng Phùng, Hướng Hóa; Mn Triệu Sơn, MN Triệu An, Triệu Phong; MN Vĩnh Tú, Vĩnh Thái, Vĩnh Linh; Mn Vĩnh Trường, Gio Linh…).   

II. Đánh giá chất lượng Hội thi

Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non được tổ chức năm học 2017- 2018, đây là năm học ngành giáo dục tổ chức nhiều hoạt động tập trung lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của ngành và của tỉnh. Toàn tỉnh có 8/9 đơn vị tổ chức thi cấp huyện với 167/168 trường tổ chức hội thi, đạt tỷ lệ 99.4%; có 746 giáo viên được công nhận GV dạy giỏi cấp huyện và có 2516 giáo viên đạt giỏi cấp trường đã tạo nên phong trào thi đua sôi nổi trong toàn cấp học. Tại cấp tỉnh có 132 GV đăng ký dự thi, tham gia thi 129 giáo viên.

   1. Ưu điểm

- Về phần thi lý thuyết: Các GV đã nắm chắc kiến thức nội dung chương trình GDMN. Nhiều GV đã thể hiện việc lựa chọn nội dung lồng ghép trong các hoạt động để thực hiện chương trình. Nhiều bài thi viết đã thể hiện năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm giỏi. Cách lập luận, phân tích, dẫn chứng để khẳng định các vấn đề cốt lõi trong thực hiện chương trình từ khâu đầu tiên là lập kế hoạch để tránh tùy tiện, để đảm bảo sự khoa học, đồng bộ trong tổ chức thực hiện các nội dung; sự cần thiết phải đánh giá sự phát triển của trẻ để điều chỉnh kế hoạch giáo dục, xem xét kế hoạch đã phù hợp hay chưa. Từ đó, tổ chức các hoạt động với quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm... các thành tố đó chính là then chốt của sự đồng tâm phát triển trẻ trong thực hiện chương trình GDMN hiện nay. Nhiều bài làm tốt đạt điểm tối đa như: Cô Nguyễn Quỳnh Hương, MN Tân Hợp huyện HH; Cô Ngô Thị Tâm, MN Sơn Ca, VL; Cô Nguyễn Thị tuyết Nhung, MN Bình Minh Khe Sanh HH.

- Về phần thi tổ chức hoạt động thực hành:

+ 100% giáo viên đã chuẩn bị chu đáo kế hoạch dạy học, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về đồ dùng, phương tiện để tổ chức tốt các hoạt động trên trẻ. Nhiều giáo viên đã đưa đến Hội thi nhiều đồ dùng tự làm đơn giản nhưng hấp dẫn và có giá trị sử dụng cao;  nhiều nguyên vật liệu gần gũi tại địa phương đã được giáo viên sưu tầm và khai thác để dạy trẻ  một cách phù hợp, gần gũi với chủ đề, gây được sự tập trung chú ý của trẻ tăng cao hiệu quả của giờ học. Tiêu biểu như: Cô Kim Chi (GL); Cô Mỹ Châu (HH); Cô Minh Nhung (TP). Nhiều Giáo viên đã ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động giúp cho việc mở rộng kiến thức, giáo dục thẫm mỹ cho trẻ nhanh hơn, hấp dẫn hơn và hiệu quả hơn. Điển hình như cô Hải (SM); cô Thảo (ĐH); Cô An (HL) ...vv.

          + Về  lựa chọn đề tài: Một số giáo viên đã mạnh dạn lựa chọn các đề tài mới, được mở rộng từ chương trình, phù hợp với nhận thức của trẻ, với chủ đề và thực tế tại địa phương Quảng Trị… đã mang lại sự hấp dẫn, lôi cuốn trẻ như cô Hiền (TXQT) thầy Thụn, cô Táo  (ĐKR); cô Giang (Gio Hải, GL).

+ Về nội dung: Giáo viên nắm chắc kiến thức của hoạt động âm nhạc và tạo hình. Cung cấp kiến thức, kỹ năng cho trẻ chính xác, phù hợp với từng độ tuổi và kinh nghiệm hiểu biết của trẻ. Kiến thức đưa ra đảm bảo tính phát triển: Từ dễ đến khó, chú ý tích hợp các nội dung theo chủ đề thông qua các trò chơi, các hoạt động giúp trẻ dễ hiểu và tham gia các hoạt động tích cực.

          + Về việc vận dụng phương pháp: Nhìn chung tất cả giáo viên dự thi đều nắm chắc chắn phương pháp và vận dụng mềm dẻo, linh hoạt với đặc thù của hoạt động dạy học âm nhạc và tạo hình để giáo dục và phát triển thẩm mỹ cho trẻ.

Trong từng tiết dạy, từng đề tài khác nhau giáo viên đã chọn phương pháp chủ đạo để khai thác các nội dung trọng tâm, đưa ra những tình huống bất ngờ để phát huy tính tích cực của trẻ, trẻ được chủ động tham gia các hoạt động, được có các cơ hội để bộc lộ và rèn luyện các kỹ năng ca hát, vận động theo nhạc; kỹ năng vẽ, xé dán … để được phát triển một cách tốt nhất các khả năng cảm thụ âm nhạc, các kỹ năng tạo hình, từ đó biết yêu thích cái đẹp, hướng đến cái đẹp.

Các giáo viên dự thi đã sử dụng các thủ thuật, các trò chơi sinh động, sáng tạo để gây hứng thú, giúp trẻ suy nghĩ, khám phá, giải quyết các nội dung đặt ra. Sử dụng tình huống sư phạm kịp thời, phù hợp và bao quát lớp tốt.

Đặc biệt, quan điểm dạy học lấy trẻ làm trung tâm đã được GV thể hiện rõ nét trong tổ chức hoạt động thực hành;

+ Phong cách của giáo viên: Đảm bảo tính sư phạm, nhẹ nhàng, gần gũi đối với trẻ, mạnh dạn, tự tin, lôi cuốn sự tập trung chú ý của trẻ (Phải khẳng định, GV tham dự thi lần này rất tự tin, yêu nghề, mến trẻ và có năng khiếu về tạo hình, âm nhạc).

- Đối với trẻ tại 9 trường mầm non thực hành đều chăm ngoan, có nền nếp tốt. Các cháu có các kiến thức và kỹ năng phù hợp yêu cầu của từng độ tuổi theo chương trình GDMN. Các cháu khỏe mạnh, tham gia học tập tích cực, điều này khẳng định chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ở các trường MN tại Đông Hà có sự đồng đều và rất tốt.

- Đối với Hội đồng Giám khảo: BGK là những người làm việc công tâm, khách quan, nghiêm túc và đúng quy trình. Sau 2 tuần làm việc, BGK đã để lại ấn tượng tốt, tạo được niềm tin trong đội ngũ CBQL và giáo viên tham gia dự thi.

   2. Tồn tại, hạn chế

Mặc dù, ưu điểm mà các giáo viên đã mang đến hội thi là cơ bản. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm vẫn còn có những hạn chế cần khắc phục. Đó là:

     Về lý thuyết: Vẫn còn có GV (mặc dù rất ít) còn chưa hiểu đề, làm bài thi lạc hẳn sang một hướng khác (nội dung đề thi hỏi về giáo dục, bài thi trả lời chăm sóc dinh dưỡng).

- Một số GV bộc lộ khả năng trình bày, khả năng diễn đạt kiến thức còn hạn chế.

Một số GV còn lúng túng trong phân tích, dẫn chứng để làm rõ kiến thức đã làm.

     Về thực hành:

Một số giáo viên chưa bám sát chương trình nên lựa chọn đề tài không phù hợp với độ tuổi của trẻ. Chẳng hạn, dạy trẻ 3 tuổi vẽ con gà bằng 3 hình tròn; dạy trẻ 3 tuổi vẽ Hoa mùa xuân (như là sự đánh đố trẻ).

Vẫn còn giáo viên dạy trẻ bằng cách học thuộc giáo án, chưa chủ động trong tổ chức, chưa bao quát giờ học, làm cho giờ học đơn điệu, không gây được hứng thú cho trẻ, trẻ chưa thực sự được tích cực tham gia hoạt động.

Vẫn còn khá nhiều giáo viên quá lo lắng về kết quả trên trẻ nên dạy thử, dạy trước kiến thức, kỹ năng cho trẻ… và đến giờ dạy thi như là sự “diễn lại” làm cho giờ học quá trơn tru, quá hoàn thiện và cuối cùng vô hình dung mọi kiến thức, mọi kỹ năng để dạy cho mọi trẻ là như nhau, không tạo được cơ hội để phát triển các khả năng của trẻ.

Một số giáo viên còn ôm đồm trong lựa chọn nội dung, ôm đồm trong chuẩn bị các đồ dùng dạy học làm cho giờ học còn hình thức và việc khai thác các nội dung dạy trẻ chưa sâu, chuẩn bị mất quá nhiều thời gian, công sức nhưng khai thác ít và chưa phù hợp với trẻ.

Kính thưa quý vị đại biểu! Kính thưa các đồng chí!

Tổ chức thi giáo viên dạy giỏi vừa là hình thức vừa là phương pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ, qua việc tổ chức hội thi lần này chúng ta đã chọn ra nhiều gương mặt tiêu biểu cho phong trào thi đua dạy tốt học tốt, thực hiện đổi mới trong GDMN. Nhìn chung, chất lượng hội thi lần này đã đánh giá thực chất kết quả thực hiện chương trình CSGD trẻ. Tuy nhiên, để tiếp tục tổ chức thực hiện chương trình GDMN sau bổ sung, sửa đổi theo TT28/2016/TT-BGDĐT  của Bộ GD&ĐT ngày càng hiệu quả hơn, cao hơn, để chất lượng đội ngũ ngày càng tốt hơn, trong thời gian tới chúng ta cần rút kinh nghiệm một số vấn đề sau:

   1. Về kiến thức chương trình

- Cần nâng cao việc học tập nghiên cứu chương trình để mỗi giáo viên hiểu một cách chắc chắn hơn, sâu hơn các nội dung trong chương trình, từ đó biết vận dụng các nội dung của chương trình GDMN trong CSGD trẻ một cách phù hợp với trẻ ở từng độ tuổi.

- Giáo dục PTTM cho trẻ mầm non với mục đích là đưa cái đẹp, giáo dục cái đẹp cho trẻ. Tuy nhiên, cái đẹp ở hoạt động GDÂN mang tính động, nghĩa là cái đẹp được thể hiện ở động tác, ở lời hát, ở cử chỉ điệu bộ minh họa của trẻ; còn cái đẹp ở HĐTH thể hiện khá tỉnh tại- đẹp phải được nhìn nhận từ cách nghĩ, cách cảm và cách làm của đứa trẻ. Chính vậy, GV cần phải có kiến thức, kỹ năng chuẩn xác của hoạt động âm nhạc, tạo hình- từ động tác làm mẫu, hướng dẫn trẻ thực hiện... đến nhìn nhận, đánh giá khả năng của trẻ. Có như vậy, chất lượng giáo dục PTTM cho trẻ mới thực sự có hiệu quả.

  2. Về tổ chức hoạt động

- Khi lựa chọn nội dung dạy trẻ, giáo viên cần bám sát khả năng của trẻ, của độ tuổi trên cơ sở chương trình khung để đưa ra nội dung phù hợp, tránh quá sức hoặc quá dễ đối với trẻ.

- Các giáo viên cần tăng cường rèn luyện các kỹ năng về âm nhạc, tạo hình để tổ chức dạy trẻ các dạng hoạt động của lĩnh vực phát triển thẩm mỹ đảm bảo chính xác, khoa học và phù hợp với trẻ.

- Dạy học với trẻ mầm non, mỗi giáo viên cần phát huy tốt hơn phong cách “vừa làm cô, vừa làm mẹ” để mỗi giờ học, mỗi hoạt động đều nhẹ nhàng, đều gần gũi với trẻ, để trẻ cảm thấy được an toàn, được yêu thương, và có như vậy chất lượng giờ học mới thực sự đạt giỏi, mới thực sự đạt tốt.    

   3. Về nhiệm vụ của chuyên môn

          Tiếp tục tham mưu với lãnh đạo Sở để tổ chức tập huấn cho đội ngũ về chuyên đề, thống nhất trong toàn cấp học về các kiến thức, kỹ năng của hoạt động âm nhạc, tạo hình để nâng cao chất lượng lĩnh vực GDPT thẩm mỹ trong thực hiện chương trình GDMN.

III. Đánh giá kết quả chung của hội thi

   - Tại vòng thi lý thuyết: Có 129 giáo viên dự thi. Kết quả: có 120/129 giáo viên đạt điểm giỏi, đạt tỷ lệ 93.02%; có 7/129 giáo viên đạt điểm trung bình và khá, chiếm tỷ lệ 5.42%; có 2/129 giáo viên đạt điểm dưới trung bình, chiếm tỷ lệ 1.55%.

   - Tại vòng thi thực hành: Có 120 giáo viên dự thi. Kết quả có 100% giáo viên đạt điểm khá giỏi. Trong đó:

Có 237/240 hoạt động tổ chức đạt điểm giỏi, đạt tỷ lệ 98.75%.

Có 3/240 hoạt động tổ chức đạt điểm khá, tỷ lệ 1.25%.

   - Kết quả chung: tổng số giáo viên dự thi 129 giáo viên. Kết quả có 120 giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. So với tổng số giáo viên tham dự thi cấp tỉnh đạt 93.02% (và nếu so với tổng số giáo viên hiện có của toàn cấp học mầm non, năm học này  toàn tỉnh tỷ lệ GV dạy giỏi của cấp học mầm non đạt 3.96%). Tại kỳ thi lần này, Sở Giáo dục và Đào tạo Tặng giấy khen và thưởng:

                        + 1 giáo viên đạt giải xuất sắc nhất tại Hội thi.

                        + 2 giáo viên đạt giải nhất

                       + 4 giáo viên đạt giải Nhì

                        + 5 giáo viên đạt giải Ba.

                        + 6 giáo viên đạt giải khuyến khích.

                       - Công đoàn Giáo dục khen thưởng 20 giáo viên đạt giải cao tại Hội thi.

Kính thưa các đồng chí!

Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non năm học 2017 - 2018 diễn ra trong thời gian ngắn, thời tiết mưa rét, không mấy thuận lợi. Song với sự nỗ lực, chịu khó, sự chuẩn bị chu đáo của giáo viên tham gia thi, với sự quan tâm của Lãnh đạo Sở, sự phối hợp và đồng thuận của các Phòng Giáo dục, sự tạo điều kiện của trường CĐSP tỉnh và 9 trường mầm non TP Đông Hà, đến đây hội đồng giám khảo chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thay mặt hội đồng giám khảo hội thi, thay mặt đội ngũ cấp học mầm non, xin được trân trọng cám ơn sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Sở, sự quan tâm động viên của CĐ ngành giáo dục đối với cấp học khó! Xin chân thành cám ơn Lãnh đạo trường CĐSP, khoa GDMN trường CĐSP tỉnh và 9 trường MN của TP Đông Hà đã tạo mọi điều kiện tốt nhất cho Hội thi! Trân trọng cám ơn sự giúp đỡ của tất cả các đồng chí, xin chúc các đồng chí sức khoẻ và hạnh phúc

Xin trân trọng cám ơn./.

 Sau đây là một số hình ảnh của hội thi:

 

Tin nổi bật

Hình Ảnh

Thống kê

Lượt truy cập:9898608
Đang online:64

Video

Liên kết