QUY ĐỊNH VỀ VAY VỐN TÍN DỤNG HỌC TẬP
[ Ngày đăng: 19/06/2015 16:22:24, lượt xem: 2576 ]

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

_________

Số: 21/2007/CT-TTg

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

______________________________________

Hà Nội, ngày 04 tháng 9 năm 2007

                                                                     

CHỈ THỊ

Về thực hiện chế độ cho vay ưu đãi để học đại học, cao đẳng

và dạy nghề

_______

Giáo dục - Đào tạo, trước hết là đào tạo bậc đại học và cao đẳng và đào tạo nghề nghiệp với chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội có ý nghĩa rất quyết định đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Để thực hiện nhất quán chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện cho tất cả học sinh, sinh viên đã trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề trong cả nước, nhưng có hoàn cảnh gia đình khó khăn, có thể học cho đến khi tốt nghiệp, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với sinh viên học đại học và cao đẳng có hoàn cảnh khó khăn, đã trúng tuyển vào đại học, cao đẳng năm học 2007-2008 hoặc đang học đại học, cao đẳng, như quy định tại Quyết định số 107/2006/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên; bảo đảm cho các sinh viên này không phải bỏ học vì lý do không có khả năng đóng học phí và trang trải các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu (ăn, ở, đi lại, tài liệu học tập).

2. Giao Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng phương án về mức cho mỗi sinh viên vay, điều kiện và phương thức cho vay, phương thức thanh toán sau khi đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, cần công bố trước ngày 30 tháng 9 năm 2007.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng trong cả nước rà soát, lập danh sách các sinh viên thuộc diện gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu vay vốn, làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện cho vay ưu đãi theo quy định; Hiệu trưởng các trường đại học và cao đẳng phải tạo mọi điều kiện cần thiết để tất cả học sinh đã trúng tuyển vào trường mình học tập năm thứ nhất một cách thuận lợi, không yêu cầu phải đóng học phí ngay trong ít nhất hai tháng đầu tiên nếu học sinh thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn, để có thời gian làm thủ tục theo quy định để đăng ký sẽ đóng học phí từ việc vay Ngân hàng Chính sách xã hội.

3. Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp rà soát danh sách các sinh viên đã trúng tuyển đại học, cao đẳng năm học 2007-2008 hoặc đang học đại học, cao đẳng mà gia đình khó khăn, có biện pháp hỗ trợ kịp thời, không để một học sinh nào đã trúng tuyển mà phải bỏ học vì không đủ tiền tầu xe đến trường và ăn, ở trong hai tháng đầu tiên của năm học thứ nhất.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Ban, ngành và chính quyền các cấp trong tỉnh, thành phố thực hiện khẩn trương việc xác nhận hoàn cảnh khó khăn của sinh viên theo các quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội liên quan đến việc cho sinh viên là người của địa phương vay để học.

4. Ngân hàng Chính sách xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện chính sách tín dụng đối với sinh viên, học sinh theo Quyết định số 107/2006/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ.

5. Trên cơ sở chính sách cho vay để học quy định tại Quyết định số 107/2006/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ nói trên, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng đề án ch vay để đào tạo nghề (bao gồm cả trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề) theo nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, trình Chính phủ trước ngày 31 tháng 11 năm 2007.

6. Khi chính sách học phí của Nhà nước thay đổi, giao Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Chính sách xã hội và các Bộ, ngành liên quan kịp thời đề xuất các thay đổi cần thiết về chế độ tín dụng đối với học sinh, sinh viên để không một học sinh, sinh viên nào đã trúng tuyển phải bỏ học vì không đủ tiền đóng học phí và bảo đảm cuộc sống tối thiểu.

7, Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí đủ vốn để Ngân hàng Chính sách thực hiện cho vay đối với học sinh, sinh viên năm học 2007-2008.

8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện cho vay để học đại học và cao đẳng năm học 2007-2008 trước ngày 30/11/2007.

9, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng khác phổ biến kịp thời Chỉ thị này đến nhân trong cả nước và hỗ trợ việc triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên một cách hiệu quả.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này./.

 

Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;

- Thủ tướng, các Phó thủ tướng Chính phủ;

-Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

-Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng;

-HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

-Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

-Văn phòng Chủ tịch nước;

-Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;

-Văn phòng Quốc hội;

-Tòa án nhân dân tối cao;

-Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

-Kiểm toán Nhà nước;

- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

-Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

- VPCP: BTCN, các Phó Chủ nhiệm, Website Chính phủ, Ban điều hành 112,

 Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,

 các Vụ,  Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

- Lưu: Văn thư, KG (10b),  Hòa 310 bản.

THỦ TƯỚNG

  (Đã ký)

Nguyễn Tấn Dũng

 

 

 

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 157/2007/QĐ-TTg NGÀY 27 THÁNG 9 NĂM 2007

VỀ TÍN DỤNG ĐỐI VỚI HỌC SINH, SINH VIÊN

 

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

 

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Phạm vi áp dụng:

Chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên được áp dụng để hỗ trợ cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn góp phần trang trải chi phí cho việc học tập, sinh hoạt của học sinh, sinh viên trong thời gian theo học tại trường bao gồm: tiền học phí; chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập, chi phí ăn, ở, đi lại.

Điều 2. Đối tượng được vay vốn:

Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm:

1. Học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động.

2. Học sinh, sinh viên là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng:

- Hộ nghèo theo tiêu chuẩn quy định của pháp luật.

- Hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật.

3. Học sinh, sinh viên mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

Điều 3. Phương thức cho vay:

1. Việc cho vay đối với học sinh, sinh viên được thực hiện theo phương thức cho vay thông qua hộ gia đình. Đại diện hộ gia đình là người trực tiếp vay vốn và có trách nhiệm trả nợ Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động, được trực tiếp vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội nơi nhà trường đóng trụ sở.

2. Giao Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay đối với học sinh, sinh viên.

Điều 4. Điều kiện vay vốn:

1. Học sinh, sinh viên đang sinh sống trong hộ gia đình cư trú hợp pháp tại địa phương nơi cho vay có đủ các tiêu chuẩn quy định tại Điều 2 Quyết định này.

2. Đối với học sinh, sinh viên năm thứ nhất phải có giấy báo trúng tuyển hoặc giấy xác nhận được vào học của nhà trường.

3. Đối với học sinh, sinh viên từ năm thứ hai trở đi phải có xác nhận của nhà trường về việc đang theo học tại trường và không bị xử phạt hành chính trở lên về các hành vi: cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp, buôn lậu.

Điều 5. Mức vốn cho vay:

1. Mức vốn cho vay tối đa là 800.000 đồng/tháng/học sinh, sinh viên.

2. Ngân hàng Chính sách xã hội quy định mức cho vay cụ thể đối với học sinh, sinh viên căn cứ vào mức thu học phí của từng trường và sinh hoạt phí theo vùng nhưng không vượt quá mức cho vay quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Khi chính sách học phí của Nhà nước có thay đổi và giá cả sinh hoạt có biến động, Ngân hàng Chính sách xã hội thống nhất với Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh mức vốn cho vay.

Điều 6. Thời hạn cho vay:

1. Thời hạn cho vay là khoảng thời gian được tính từ ngày đối tượng được vay vốn bắt đầu nhận vốn vay cho đến ngày trả hết nợ (gốc và lãi) được ghi trong hợp đồng tín dụng. Thời hạn cho vay bao gồm thời hạn phát tiền vay và thời hạn trả nợ.

2. Thời hạn phát tiền vay là khoảng thời gian tính từ ngày đối tượng được vay vốn nhận món vay đầu tiên cho đến ngày học sinh, sinh viên kết thúc khoá học, kể cả thời gian học sinh, sinh viên được các trường cho phép nghỉ học có thời hạn và được bảo lưu kết quả học tập (nếu có). Thời hạn phát tiền vay được chia thành các kỳ hạn phát tiền vay do Ngân hàng Chính sách xã hội quy định hoặc thoả thuận với đối tượng được vay vốn.

 3. Thời hạn trả nợ là khoảng thời gian tính từ ngày đối tượng được vay vốn trả món nợ đầu tiên đến ngày trả hết nợ (gốc và lãi). Đối với các chương trình đào tạo có thời gian đào tạo không quá một năm, thời hạn trả nợ tối đa bằng 2 lần thời hạn phát tiền vay, đối với các chương trình đào tạo khác, thời hạn trả nợ tối đa bằng thời hạn phát tiền vay. Thời hạn trả nợ được chia thành các kỳ hạn trả nợ do Ngân hàng Chính sách xã hội quy định.

Điều 7. Lãi suất cho vay:

1. Lãi suất cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên là 0,5%/tháng.

2. Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.

Điều 8. Hồ sơ vay vốn, trình tự và thủ tục cho vay, trả nợ:

Ngân hàng Chính sách xã hội quy định hồ sơ vay vốn, trình tự và thủ tục cho vay, trả nợ bảo đảm đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện.

Điều 9. Trả nợ gốc và lãi tiền vay:

1. Trong thời hạn phát tiền vay đối tượng được vay vốn chưa phải trả nợ gốc và lãi; lãi tiền vay được tính kể từ ngày đối tượng được vay vốn nhận món vay đầu tiên đến ngày trả hết nợ gốc.

2. Đối tượng được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên ngay sau khi học sinh, sinh viên có việc làm, có thu nhập nhưng không quá  12 tháng kể từ ngày học sinh, sinh viên kết thúc khoá học.

3. Mức trả nợ mỗi lần do Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn và được thống nhất trong hợp đồng tín dụng.

Điều 10. Ưu đãi lãi suất trong trường hợp trả nợ trước hạn:

Trường hợp đối tượng vay vốn trả nợ trước hạn đã cam kết trong hợp đồng tín dụng lãi suất phải trả sẽ được giảm lãi vay. Ngân hàng Chính sách xã hội quy định cụ thể mức ưu đãi lãi suất trong trường hợp trả nợ trước hạn.

Điều 11. Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn trả nợ và chuyển nợ quá hạn:

1. Đến kỳ trả nợ cuối cùng, người vay có khó khăn chưa trả được nợ, phải có văn bản đề nghị gia hạn nợ thì được Ngân hàng Chính sách xã hội  xem xét cho gia hạn nợ cho đối tượng vay vốn; thời gian gia hạn nợ tối đa bằng 1/2 thời hạn trả nợ.

2. Trường hợp đối tượng được vay vốn không trả nợ đúng hạn theo kỳ hạn trả nợ cuối cùng và không được phép gia hạn nợ, Ngân hàng Chính sách xã hội chuyển thành nợ quá hạn. Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội có biện pháp thu hồi nợ.

3. Ngân hàng Chính sách xã hội quy định cụ thể việc điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn trả nợ và chuyển nợ quá hạn.

Điều 12. Xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan:

Việc xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan được thực hiện theo quy định về quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Điều 13. Trách nhiệm của các cơ quan:

1. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí nguồn vốn nhà nước để cho học sinh, sinh viên vay và kinh phí cấp bù chênh lệch lãi suất, phí quản lý để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt việc cho học sinh, sinh viên vay vốn.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành:

a) Chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề thuộc quyền quản lý phối hợp với Ủy ban nhân dân địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức thực hiện chính sách tín dụng học sinh, sinh viên.

b) Chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề thực hiện xác nhận việc học sinh, sinh viên đang theo học tại trường có đủ điều kiện vay vốn quy định tại các khoản 2, 3 Điều 4 Quyết định này.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: chỉ đạo các cơ quan chức năng và Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên theo đúng quy định của pháp luật và Quyết định này.

4. Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm hướng dẫn hồ sơ xin vay vốn, trình tự và thủ tục cho vay, kỳ hạn trả nợ, mức trả nợ, gia hạn trả nợ, chuyển nợ quá hạn đối với học sinh, sinh viên theo quy định. Tổ chức huy động vốn để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với học sinh, sinh viên. Phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề trong quá trình cho vay để vốn vay được sử dụng đúng mục đích, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên trong việc nhận tiền vay và đóng học phí.

5. Tổ chức, cá nhân sử dụng lao động là học sinh, sinh viên đã được vay vốn nhà nước theo quy định tại Quyết định này có trách nhiệm đôn đốc học sinh, sinh viên chuyển tiền về gia đình để trả nợ hoặc trực tiếp trả nợ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Điều 14. Xử lý vi phạm:

Các tổ chức, cá nhân thực hiện không đúng quy định về tín dụng đối với học sinh, sinh viên quy định tại Quyết định này, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Điều khoản thi hành:

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2007 và thay thế Quyết định số 107/2006/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Các đối tượng đã được vay vốn theo Quyết định số 107/2006/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2006 được tiếp tục vay vốn theo quy định tại Quyết định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

                    KT. THỦ TƯỚNG 

                    PHÓ THỦ TƯỚNG

                  Nguyễn Sinh Hùng

 

 

 

 

 

Tin nổi bật

Hình Ảnh

Thống kê

Lượt truy cập:9951485
Đang online:356

Video

Liên kết