Và nếu không có những tâm hồn yêu quê hương xứ sở đến quặn lòng
như Trịnh Công Sơn làm sao có được "khối tình lớn" từ một tâm hồn tìm tới những
tâm hồn đồng điệu? Thay cho câu trả lời ý nghĩa đó, CLB Bạn đọc trường Cao đẳng
Sư phạm Quảng Trị đã dựng chương trình về Cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhân kỉ niệm
4 năm (01/04/2001 - 01/04/2005) ngày mất của ông. Chương trình được thiết kế
lồng ghép khá qui mô, hoành tráng. Sau bản lược trình tình hình hoạt động của
CLB là nội dung diễn thuyết về Đặc sắc ca từ Trịnh Công Sơn của Nhà báo
Nguyễn Hoàn với sự minh hoạ những tình khúc bất tử của Trịnh qua các giọng hát
truyền cảm và triển lãm thư pháp của Nhà thư pháp Hoàng Tấn Trung. Điều
đáng ghi nhận ở buổi sinh hoạt văn hoá này là đã lôi cuốn được nhiều khán thính
giả trong - ngoài trường tham dự và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp. Nhà giáo Lê
Thị Xuân Liên - Hiệu trưởng nhà trường nhận xét:
- CLB Bạn đọc hoạt động ngày càng khởi sắc, có chiều sâu, tránh
được hình thức chung chung khô khan. Có thể nói từ Trịnh Công Sơn, từ "chân trời
một người đến chân trời của tất cả"; cách làm sử chân dung, sử tâm hồn như thế
là tốt. Đường đi và đích đến phải nên như thế.
Ca khúc của Trịnh Công Sơn qua những tiếng hát chị em của
Khánh Ly đã nén không gian Nhà Đa chức năng đông chật. Sự đông chật hoà điệu
những tâm hồn mang khát vọng yêu thương và chia sẻ. Mỗi người như được thấy bóng
dáng mình trong những ca khúc về tình yêu, quê hương và thân phận. Hợp âm chủ Mi
thứ (Em) với điệu slow đầy tâm trạng cùng sự dụ dẫn mê hoặc của ca từ đã tạo ra
sức mạnh cảm xúc lan toả khó quên. Có thể ví Trịnh Công Sơn là người có phép
biến ảo chữ nghĩa trong âm nhạc một cách tài tình. "Chữ bầu nhà thơ" (Lê Đạt),
câu nói ấy vận vào Trịnh Công Sơn thật đúng, bởi ông là người hiếm hoi trên đời
này biết "ca thơ" (chữ của Văn Cao) bằng sự gào thét vô thanh của trái tim chan
chứa tình yêu con người, tình yêu cuộc sống. Tình yêu ấy đặc biệt hơn ở chỗ khi
thân phận con người mong manh tơ trời trước cơn gió dữ chiến tranh.
Như lẽ tự nhiên, những ai đã từng nghe nhạc Trịnh, hát nhạc Trịnh
rồi sẽ tự ru mình trong nỗi buồn kiếp người - một nỗi buồn cứu rỗi tâm linh và
đưa tới những bến giác thức tỉnh tình yêu con người dù đường trần muôn nẻo lô xô
và không thiếu cạm bẫy. Xin đừng nhầm tưởng Trịnh Công Sơn đang gieo dòng "não
ca", vì bản thân thời cuộc bấy giờ chất đầy những âu lo và bi kịch. Đúng ra,
Trịnh đã dựng đài tháp "bi kịch lạc quan". Điều đó có nghĩa ông nhìn thẳng vào
đau thương để thắp sáng ngọn nến nguyện cầu hoà bình và nhen lên khát vọng cho
một tương lai nước nhà xanh tươi, tốt đẹp. Có người cho rằng, hát nhạc Trịnh
không phải dựa vào kỹ thuật thanh nhạc hay chất giọng thiên phú mà phải đánh
thức được những run rẩy kiếp người đi sóng đôi với ca từ bàng bạc nỗi niềm của
tác giả. Từ sự đồng điệu ấy, chúng ta có quyền hy vọng về những đêm nhạc Trịnh
nối đến hẹn xuân thu nhị kỳ như khúc luân vũ của thời gian...
Võ Văn Luyến