Hình thức cưới xin ở Lào khá phong phú, đa dạng, mỗi nhóm dân tộc mỗi địa phương thường có một số nghi lễ cưới xin khác nhau. Tục cưới xin phản ánh khá rõ nét một hình thức sinh hoạt tinh thần của người Lào và tích tụ nhiều tập quán cổ của mỗi nhóm dân tộc.
Chế độ phong kiến tồn tại khá lâu trong lịch sử dân tộc Lào. Nhưng ý thức hệ phong kiến, tín ngưỡng, và các tập quán cổ truyền không ngăn cản sự tiếp xúc giữa trai gái, ngược lại việc gặp gỡ giữa trai gái được coi là điều tự nhiên. Với quan niệm đó, trai gái ở Lào có nhiều dịp để gặp gỡ nhau, đặc biệt là trong lao động sản xuất, những đêm trăng hội hè, cưới xin. Xưa nay, trai gái ở Lào là con em nhân dân lao động thường được tự do chọn người yêu, hầu như không bị ép buộc như một số nước phong kiến khác. Tuy nhiên, khi trai gái lấy nhau cũng qua bàn bạc và sự chấp thuận của cha mẹ họ hàng hai bên.
Trước đây ở Lào người con gái mười lăm, mười sáu tuổi đã lấy chồng. Phổ biến nhất là ở lứa tuổi mười tám đôi mươi, ngoài hai mươi lăm tuổi được coi là quá lứa. Con trai thường lấy vợ ở tuổi ngoài hai mươi. Ở vùng nông thôn và vùng dân tộc ít người, con trai thường lấy vợ sớm hơn ở đô thị. Trước kia cũng như ngày nay, ở nông thôn cũng như thành thị gia đình người Lào phổ biến là một vợ, một chồng.
Tục cưới xin của người Lào thường theo trình tự như dạm hỏi, lễ cưới, lại nhà. Khi con cái trưởng thành, ông bà cha mẹ thường nghĩ đến việc dựng vợ gả chồng. Cha mẹ nhắm một người nào đó mình ưng ý rồi hỏi ý kiến con cháu. Hoặc trai gái tự tìm hiểu, thương yêu nhau rồi chủ động báo cho cha mẹ. Sau khi thỏa thuận trong gia đình, cha mẹ nhờ trưởng họ, các già làng có uy tín chọn ngày lành tháng tốt mang lễ vật sang nhà gái dạm hỏi gọi là “can xù-khỏ”. Mâm lễ trong buổi ngỏ ý này rất đơn giản, chỉ cần trầu cau, thuốc lá. Người Lào vùng Đông Bắc Thái Lan trong lễ dạm hỏi này thường có thêm một cái âu bạc đựng 3 bat (đơn vị tiền tệ Thái Lan) gọi là tiền thăm dò gia đình nhà gái. Nếu ưng thuận thì nhà gái nhận tiền. Nếu không ưng thuận thì nhà gái không phải trả lời, mà chỉ cần xếp tiền bỏ lại trong âu bạc của nhà trai.
Khi họ nhà trai ngỏ ý xin làm thông gia, nếu họ nhà gái nhận lời thì hẹn một ngày nhất định, mời họ nhà trai đến để thách cưới và chọn ngày giờ tổ chức lễ cưới. Theo tập quán, dù nhận lời hay không nhà gái cũng đón tiếp họ nhà trai một cách niềm nở, trân trọng. Đúng ngày giờ đã hẹn, họ nhà trai mang lễ vật sang nhà gái. Lễ vật có trầu cau, thuốc lá, các loại bánh… một số địa phương ở Nam Lào trong mâm lễ còn có cả thóc giống, vừng , hạt bông. Các lễ vật do họ nhà trai mang đến, nhà gái sử dụng một phần để biếu bà con họ hàng nội ngoại và một phần gửi lại biếu cho nhà trai. Trong buổi gặp gỡ này, họ hàng nhà gái thường đến đông đủ. Sau nội dung ngỏ ý xin cưới của vị đại diện họ nhà trai, phía nhà gái thách cưới gọi là “Khạ-đong”. Thông thường nhà gái thách tiền, vàng, bạc, trâu, gạo, rượu.
Việc thách cưới nhiều hay ít tùy theo tục lệ mỗi địa phương, mỗi gia đình và tùy theo địa vị xã hội cha mẹ nhà gái. Đối với đông đảo nông dân lao động việc thách cưới dường như là một tập quán, có tính chất tượng trưng để đề cao con gái của mình. Chính vì hàm ý đó mà trong lễ rước rể, đón rể có tục cả hai họ đều có những hành động ngăn cản buổi lễ như thách thức giăng chỉ cản đường, ra câu đố… nhằm đề cao chú rể cũng như cô dâu. Gặp trường hợp nhà gái thách cưới cao, nhà trai trình bày xin giảm bớt theo tập quán bản mường và đặc biệt chú ý đề cao cô dâu tương lai là người có nhan sắc, nết na. Nhưng theo tục lệ từ xưa dù ít hay nhiều cũng phải có khoản tiền thách cưới và họ nhà trai phải trao cho họ nhà gái ngay khi mở đầu lễ cưới trước sự chứng kiến của hai họ. Nếu là gái góa, nạ dòng thì tiền thách cưới thường thấp hơn các cô gái chưa chồng. Con trai góa vợ hay bỏ vợ, họ nhà gái thường thách cưới cao hơn các chàng trai chưa vợ.
Thỏa thuận thách cưới xong, hai họ cùng bàn ngày cưới. Đó là một ngày lành tháng tốt do thầy số hoặc các già bản giàu kinh nghiệm chọn. Những ngày xấu, ngày dữ, cấm kỵ không được tổ chức đám cưới với quan niệm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ. Người Lào thường tổ chức đám cưới vào khoảng thời gian từ 15 tháng 10 đến 15 tháng 3 nông lịch Lào tức từ tháng 9 đến tháng 2 dương lịch. Sau lễ dạm hỏi, thách cưới và hẹn ngày cưới, đôi trai gái có thể đi lại thăm hỏi, giúp đỡ gia đình hai họ một cách tự nhiên.
Trước ngày cưới, nhà trai cũng như nhà gái đều lo chuẩn bị chu đáo ngày cưới. Theo tục lệ trước đây ở nông thôn Lào sau ngày cưới chàng trai thường đến ở rể một thời gian, có trường hợp chàng trai ở rể khá lâu tùy thuộc mỗi gia đình, mỗi địa phương. Nhà gái thường chuẩn bị nệm, gối, chăn … và cả áo quần, khăn quàng để cô dâu biếu trưởng họ, cha mẹ chồng gọi là “khương xẳm-ma”. Nếu nhà gái thấy phải làm nhà mới thì phải báo trước cho nhà trai chuẩn bị tre, gỗ, và mọi thứ cần thiết khác đem sang nhà gái dựng. Bà con, họ hàng, xóm giềng của hai họ đều tham gia dựng nhà mới cho cô dâu chú rể. Theo tục lệ của người Lào việc dựng nhà phải xong trong một ngày. Do đó, cả hai họ cần có sự chuẩn bị chu đáo. Việc tiếp đãi, tổ chức ăn uống cho bà con xóm giềng đến tham gia dựng nhà do nhà gái đảm nhận.
Theo tập quán cổ ở Lào, xưa nay đám cưới là dịp vui chơi, ăn uống của hai họ và cộng đồng bản mường. Gia đình khá giả thường mổ trâu, bò, nhà nghèo cũng mổ lợn, gà, nấu rượu ngon để thết đãi bà con họ hàng đến dự. Đối với gái trai đây cũng là dịp gặp gỡ múa hát, tỏ tình, tỏ ý. Đám cưới ở Lào thường có một số nghi lễ như mời sư tụng kinh, làm lễ cầu may “xù-khoẳn”, rước rể, làm lễ cầu may chung cho cô dâu chú rể. Đại diện hai họ dặn dò khuyên bảo dâu, rể, cô dâu chú rể tặng lễ vật cho trưởng họ, cha mẹ chú rể.
Đúng ngày cưới, anh em, bà con thân thiết dù ở xa gần cũng đến dự đám cưới khá đông đủ. Ai cũng có tặng phẩm mừng cô dâu chú rể để thể hiện tình cảm của mình. Tặng phẩm cũng rất đa dạng, tùy thuộc vào khả năng mỗi người, chẳng hạn ở nông thôn trước đây, đi mừng lễ cưới thường có tiền, vải vóc, váy áo, bát đĩa, xoong nồi, gạo thóc, gà vịt, rượu… Đến dự lễ cưới, mọi người đều mặc những bộ váy áo dân tộc đẹp nhất, luôn tỏ thái độ hồ hởi, vui mừng.
Đến giờ đã định, họ nhà trai bắt đầu rước rể sang nhà gái. Dẫn đầu là vị trưởng họ, tay bưng âu bạc đựng tiền thách cưới. Đi sau là bốn cô gái chưa có chồng, mỗi cô gánh một cái tráp đựng trầu cau, thuốc lá và một vò rượu được bọc vải hoặc giấy màu. Tiếp theo là mâm lễ (pha-khoẳn) rồi đến chú rể, các chàng trai phù rể, gia đình, họ hàng, bạn bè. Trên mâm lễ thường có hoa quả, gạo nếp, trầu cau, bánh trái, đặc biệt không thể thiếu một quả chứng gà luộc. Nhiều địa phương trên mâm lễ còn có những cây hình tháp được kết bằng hoa lá gọi là “tổn mạc-bèng”. Có vùng còn chuẩn bị một âu nước hoặc vỏ một con ốc biển lớn ngâm các cánh hoa thơm để vẩy cho cô dâu chú rể để cầu may.
Từ nhà chú rể sang nhà cô dâu, đám rước luôn sôi động bởi tiếng hò reo, hát ca của các chàng trai, cô gái. Đến gần nhà gái đám rước rể thường bị những sợi chỉ trắng giăng ngang buộc phải dừng lại. Những người làm việc này tự xưng là họ nhà gái và đòi phải có lễ vật mới được đi qua, chú rể mới lấy được cô dâu. Có địa phương họ nhà gái ra câu đố, họ nhà trai trả lời được mới cho đi qua. Đám rước phải dừng lại, họ nhà trai vui vẻ, ôn tồn xin đi và trao các lễ vật đã chuẩn bị trước mới được vào cổng.
Đám rước rể đến chân cầu thang nhà gái thì đã có đại diện đón tiếp. Đó là một phụ nữ đứng tuổi, đông con, gia đình sống hòa thuận, nói năng hoạt bát khéo léo thay mặt họ nhà gái xuống đón chú rể và mời họ nhà trai lên nhà. Lúc này đến lượt họ nhà trai đề cao chú rể. Bạn bè, chú rể dọa giữ chú rể lại, không cho lên nhà cô dâu, họ nói chú rể là một chàng trai khỏe mạnh, dũng cảm, lao động giỏi… Đại diện họ nhà gái lễ phép, chắp hai tay trước ngực xin trưởng họ, cha mẹ, họ hàng, bè bạn nhà trai cho chú rể lên nhà dự lễ cưới.
Họ nhà trai lần lượt lên nhà trước sự chào hỏi đón tiếp niềm nở của nhà gái. Mở đầu, trưởng họ nhà gái ngỏ ý nhắc lại tiền thách cưới được hai bên thỏa thuận. Trưởng họ nhà trai vui vẻ tuyên bố sẵn sàng làm theo tập quán bản mường và đúng lời hứa rồi trao âu tiền cho trưởng họ nhà gái trước sự chứng kiến của xóm giềng và bà con hai họ. Sau khi vào lễ bàn thờ nhà gái, chú rể ra ngồi cạnh cô dâu bên mâm lễ để bước vào nghi thức chính của đám cưới. Mở đầu, các nhà sư tụng kinh (xụt-môn dên) cầu nguyện hạnh phúc và vẩy nước phép (hốt nẵm-dên) cho cô dâu chú rể. Ở một số địa phương sư thầy còn rắc những cánh hoa thơm lên mái tóc của cô dâu chú rể mong Trời-Phật ban cho cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc. Tiếp đến là lễ “xù-khoẳn” – một nghi lễ phổ biến ở Lào. Nhưng đây là lễ “xù-khoẳn” đám cưới (xù-khoẳn-đong) được tiến hành trong không khí trang trọng hơn, có tăng lữ, trưởng họ, cha mẹ, bà con, xóm giềng, bầu bạn cả hai họ cùng dự, còn được gọi là lễ cầu may lớn (xù-khoẳn nhày).
Ngồi bên mâm lễ, chú rể khoác tay cô dâu gọi là “xù-khoẳn cặp cài” tượng trưng sự gắn bó thủy chung giữa cô dâu và chú rể. Trưởng họ nhà trai, nhà gái lần lượt chúc cô dâu chú rể thương yêu gắn bó với nhau cho đến lúc tóc bạc răng long, rồi vẩy nước “hỏi sẳng” và buộc chỉ cổ tay. Giữa lúc các cụ già, cha mẹ, họ hàng lần lượt buộc chỉ cổ tay cho cô dâu chú rể thì một cụ già lấy quả trứng luộc trên mâm bóc vỏ rồi dùng một sợi tóc cắt làm đôi xem lòng đỏ có đầy đặn không. Người Lào cho rằng sự tròn khuyết của lòng đỏ quả trứng có quan hệ nhất định đến hạnh phúc trăm năm của đôi vợ chồng trẻ.
Ở nhiều địa phương còn tục chọn người dẫn cô dâu chú rể vào phòng ngủ. Đảm nhận việc này là người phụ nữ được chọn làm đại diện họ nhà gái ra đón chú rể ở chân cầu thang. Người phụ nữ này dùng một sợi chỉ gấp làm đôi, mỗi người cầm một đầu rồi dẫn vào phòng ngủ, cô dâu đi trước, chú rể theo sau. Việc trải chiếu nệm do cô dâu chú rể cũng được chú ý. Khi đám rước rể lên nhà thì một người phụ nữ phúc hậu hoặc một cặp vợ chồng đông con cái, sống hòa thuận vào buồng ngủ trải chiếu, nệm cho cô dâu chú rể. Người Lào tin rằng cuộc sống hòa thuận, hạnh phúc của người trải nệm, chiếu có ảnh hưởng đến đôi vợ chồng trẻ sau này.
Tiếp theo chú rể mang nến, hương đến lễ trưởng họ nhà gái. Cô dâu cũng mang lễ vật dâng cho trưởng họ, cha mẹ chú rể. Lễ vật tùy thuộc tập quán mỗi địa phương, mỗi gia đình. Ở nông thôn Lào trước đây cô dâu thường mừng trưởng họ, cha chồng mỗi người một bộ quần áo, một khăn tắm và mẹ chồng một bộ váy áo. Việc làm này biểu hiện lòng kính trọng và biết ơn của cô dâu đối với công sinh dưỡng của cha mẹ chồng.
Kết thúc lễ cưới, trưởng họ nhà trai ngỏ lời cảm ơn sự đón tiếp thân tình, nồng nhiệt của nhà gái và xin gửi gắm chú rể ở lại làm con cháu nhà gái. Đại diện nhà gái vui vẻ nhận lời và dặn dò cô dâu cách ứng xử, trách nhiệm đối với cha mẹ, anh em nhà chồng. Đám cưới chấm dứt, chú rể cùng họ hàng trở về nhà mình. Vào một giờ đã hẹn trước, thông thường khoảng sáu, bảy giờ tối, họ hàng nhà trai, đông nhất là bè bạn, chính thức tiễn chú rể sang nhà cô dâu. Nhà gái thường chuẩn bị cơm rượu để đón mừng chàng rể cùng họ hàng, bạn bè nhà trai. Sau khoảng 3 năm, do vợ chồng xin phép hoặc cha mẹ gợi ý cho đôi vợ chồng ra ở riêng. Khi ra ở riêng vợ chồng được mang theo một số lúa gạo, nông cụ, trâu bò và một số đồ dùng khác do cha mẹ vợ chia cho.
Ngày nay việc cưới xin ở Lào thường được tổ chức đơn giản bà thuận tiện hơn, tuỳ theo hoàn cảnh của mỗi gia đình. Các nghi lễ câu nệ gây lãng phí tiền của, thời gian ngày nay đã được bỏ bớt. Tuổi kết hôn có khuynh hướng chậm hơn trước, nhất là nam giới. Các nét độc đáo của dân tộc, địa phương gắn chặt với lao động sản xuất, nghề nghiệp, tín ngưỡng vẫn được kế thừa và phát huy trong lễ cưới. Đặc biệt là tính hợp quần, tình đoàn kết của cộng đồng bản mường.
Nguyễn Thị Thanh Nga – TTNCVH TVSMK