Chị em CB - GV đã tích cực, chủ động, sáng tạo tổ chức phong trào thi đua “hai tốt” trong nhà trường; không ngừng đổi mới phương pháp nâng cao hiệu quả giảng dạy và chất lượng công tác. Các em nữ HS - SV cũng đã có nhiều nỗ lực trong học tập và rèn luyện với ý thức và tinh thần, thái độ học tập nghiêm túc, xây dựng phong trào học tập và rèn luyện tốt. Những việc làm trên lần nữa khẳng định vai trò của người phụ nữ trong thời đại mới: thời đại công nghiệp hoá hiện, đại hoá đất nước.
Nhìn lại hàng thế kỷ nay, cuộc đấu tranh chống phân biệt đối xử và đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ đã diễn ra trên khắp thế giới. Cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản đã phát triển một cách mạnh mẽ, nền kỹ nghệ đã thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào các nhà máy, xí nghiệp. Nhưng bọn chủ tư bản trả lương cho họ rất rẻ mạt. Căm phẫn trước sự bất công đó, ngày 8/3/1899, nữ công nhân ở Mỹ đã đứng lên đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Phong trào bắt đầu từ nữ công nhân ngành dệt và ngành may tại thành phố Chicago và Nữu ước. Mặc dù bọn tư bản thẳng tay đàn áp, chị em vẫn đoàn kết chặt chẽ, đấu tranh buộc chúng phải nhượng bộ. Cuộc đấu tranh của công nhân Mỹ đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào phụ nữ lao động trên thế giới, đặc biệt là phụ nữ ở nước Đức, một nước có nền kỹ nghệ tiên tiến. Tắm mình trong phong trào đấu tranh ấy đã xuất hiện hai nữ chiến sĩ lỗi lạc, đó là bà Clarazetkin (người Đức) và bà Lôralucxambua (người Balan).
Nhận thức được sự mạnh mẽ và đông đảo của lực lượng lao động nữ và sự cần thiét phải có tổ chức, phải có lãnh đạo để giành thắng lợi cho phong trào Phụ nữ, nên năm 1907, hai bà đã phối hợp với bà Crupxcaia (vợ Lênin) vận động thành lập ban thư ký “ Phụ nữ quốc tế ”, bà Clarazetkin được cử làm bí thư. Năm 1910, đại hội Phụ nữ Quốc tế xã hội chủ nghĩa được họp tại Copenhagen (thủ đô Đan mạch) đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày “Quốc tế Phụ nữ”, ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu: Ngày làm 8 giờ - Việc làm ngang nhau - Lương ngang nhau - Bảo vệ bà mẹ trẻ em.Từ đó, ngày 8/3 trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới.
Cũng trong ngày này, chúng ta tự hào kỷ niệm 1968 năm ngày khởi nghĩa Hai Bà Trung.
Nói đến phụ nữ Việt Nam, chúng ta không thể quên Hai Bà Trưng. Đó là gương sáng, là niềm tự hào của chị em chúng ta và của cả dân tộc.
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng bùng nổ vào năm 40 đầu Công nguyên. Gần hai nghìn năm nay, âm vang của cuộc khởi nghĩa cùng sự hy sinh lẫm liệt của các nữ anh hùng dân tộc vẫn còn vang vọng mãi. Dân tộc ta rất tự hào đã sản sinh ra bao vị nữ anh hùng làm nên những chiến công rạng rỡ cho dân tộc. Lần đầu tiên trong lịch sử, ngưòi phất cờ khởi nghĩa là phụ nữ, người lãnh đạo khởi nghĩa là phụ nữ, xưng vương dựng nước là phụ nữ. Thật hiếm thấy một dân tộc nào, một quốc gia nào lại có được niềm vinh quang ấy.
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trung đã viết nên trang sử bất hủ của dân tộc ta ở đầu công nguyên. Hai Bà đã thắp lên ngọn lửa chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Quyền tự chủ của đất nước do Hai Bà mang lại tuy ngắn ngủi (từ năm 40 - 43 đầu Công nguyên), song Hai Bà đã khắc vào lịch sử và tâm thức người Việt Nam tấm gương trung nghĩa, anh hùng, vẻ vang cho nữ giới và dân tộc.
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng không những biểu thị được tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam mà còn nói lên những khả năng hết sức lớn lao của phụ nữ Việt nam, trong lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Ngày nay, cứ mỗi độ xuân đến, thế hệ Phụ nữ chúng ta lại kỷ niệm chiến công và sự hy sinh lẫm liệt của Hai Bà cùng các nữ tướng.
Tiếp nối truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay của người phụ nữ Việt Nam, phụ nữ trường CĐSP Quảng Trị sẽ luôn phát huy vai trò của người phụ nữ hiện đại. Đó là lòng yêu nước, có tri thức, có sức khoẻ, năng động sáng tạo, có lối sống văn hoá, lòng nhân hậu, quan tâm đến lợi ích xã hội và cộng đồng nhằm góp phần cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp dựng xây quê hương đất nước.
Ban Nữ công