A A+
Cấu trúc của nhân cách
[ Ngày đăng: 21/11/2013 2:49:22 CH, lượt xem: 11412 ]

Từ lâu, các nhà nghiên cứu đã và đang tham gia những cuộc thảo luận không có hồi kết thúc với những câu hỏi rất cơ bản như:  Nhân cách là gì ?  Làm thế nào để mô tả “đầy đủ, chính xác” nhân cách ? Cấu trúc của nhân cách gồm những thành tố nào ?  Bằng cách nào các nhà nghiên cứu có thể mô tả nhân cách và dự đoán hành vi dựa vào nhân cách? Tại sao một số người kết bạn dễ dàng, một số người khác lại luôn cảm thấy cô đơn? Tại sao một số người có xu hướng thu mình, hướng nội, một số khác thích giao tiếp, hướng ngoại hoặc một số người có khuynh hướng hay tức giận, nổi khùng, một số người khác lại hay rơi vào trạng thái trầm cảm?...Theo các nhà nghiên cứu, có hai khung hướng nghiên cứu nhân cách : Mô tả và Giải thích. Khuynh hướng thứ nhất liên quan đến việc nắm bắt cấu trúc của nhân cách, còn khuynh hướng thứ 2 liên quan đến việc tìm hiểu sự hình thành, phát triển của nhân cách.

 

Có thể định nghĩa về nhân cách như sau: Nhân cách là một cấu trúc phức hợp gồm các mặt tình cảm, nhận thức và hành vi, các mặt này được tổ chức thành một hệ thống có tính thứ bậc, nó chứa đựng các thành tố đặc trưng, có tính ổn định tương đối, có mối liên hệ qua lại thúc đẩy, chế ước lẫn nhau nhằm cung cấp sự định hướng mạch lạc, chặt chẽ đối với cuộc sống của mỗi cá nhân. Như vậy, nhân cách là một cấu trúc động có tính ổn định nhưng không bất biến mà phát triển.

Nhân cách không phải là một là một thực thể có thể trực tiếp nhìn thấy được mà là một cấu trúc, chúng ta phải suy luận về sự tồn tại của nó từ những quan sát hành vi trực tiếp của chúng ta.

            Tuy nhiên các nhà nghiên cứu lại không đạt được sự nhất trí hoàn toàn, liệu một cấu trúc nhân cách đầy đủ phải bao gồm những thành phần nào?  Chúng tôi có thể nêu ra đây một số quan điểm cơ bản về cấu trúc của nhân cách nhìn từ góc độ Tâm lý - Giáo dục:

  • Quan niệm coi nhân cách gồm 3 lĩnh vực cơ bản: nhận thức (bao gồm cả vốn tri thức và năng lực tâm thần), rung cảm (xúc cảm, tình cảm và thái độ), và ý chí (không chỉ có phẩm chất ý chí mà cả kỹ năng kỹ xảo, thói quen).
  • Quan niệm coi nhân cách gồm 4 tiểu cấu trúc: Xu hướng (thế giới quan, lý tưởng, hứng thú, tâm thế...), kinh nghiệm (tri thức, kỹ năng kỹ xảo, thói quen), đặc điểm của các quá trình tâm lý (các phẩm chất trí tuệ, ý chí, xúc cảm, tình cảm), các thuộc tính sinh học quan trọng (khí chất, các đặc điểm bệnh lý...).
  • Quan niệm nhân cách có nhiều tầng: tầng “nổi” (gồm ý thức, tự ý thức và ý thức nhóm) và tầng “chìm” (bao gồm tiềm thức và vô thức).
  • Quan niệm về các mặt đào tạo của nhân cách: đức, trí, thể, mỹ...
  • Quan niệm về 4 thuộc tính phức hợp của nhân cách: xu hướng, tính cách, năng lực và khí chất

Những quan niệm trên đây về cấu trúc nhân cách có nhiều điểm khác với quan niệm truyền thống của Việt nam.

Theo cách nhìn quen thuộc của người Việt Nam, cấu trúc nhân cách gồm hai mặt có mối liên hệ thống nhất với nhau: đức và tài hay phẩm chất và năng lực. Có thể biểu diễn cấu trúc này như sau:

Cấu trúc nhân cách theo cách nhìn truyền thống của người Việt nam

Đức

Tài

- Phẩm chất xã hội (hay đạo đức tư tưởng-chính trị): thế giới quan, niềm tin, lý tưởng, lập trường thái độ chính trị, thái độ lao động...

-  Phẩm chất cá nhân (hay đạo đức tư cách): cái “nết”, cái “thói”, cái “thú”

-  Phẩm chất ý chí: tính kỷ luật, tính tự chủ, tính mục đích, tính quả quyết, tính phê phán...

-  Cung cách ứng xử: tác phong, lễ tiết, tính khí...

 

-  Năng lực xã hội hoá: khả năng thích ứng, năng lực sáng tạo, cơ động, mền dẻo, linh hoạt trong cuộc sống xã hội

-  Năng lực chủ thể hoá: khả năng thể hiện cái riêng, cái độc đáo, cái bản lĩnh

- Năng lực hành động: khả năng hành động có mục đích, có điều khiển, chủ động tích cực

-  Năng lực giao tiếp: khả năng thiết lập và duy trì quan hệ với người khác

           

Cấu trúc này có vẻ quen thuộc, sát hợp với kinh nghiệm và thực tiễn giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên cấu trúc này không có sự phân định rõ ràng về khái niệm lý thuyết, khó thao tác hoá thành những tiêu chí để đo lường và điều quan trọng hơn là nó chưa được thực nghiệm, chưa có những số liệu nghiên cứu khoa học một cách có hệ thống ủng hộ.

            Ngoài ra còn có một kiểu cấu trúc nhân cách khác, có phân thứ bậc, chia thành các tiểu hệ thống được Mayer và nhóm nghiên cứu của ông (Mayer et al, 2000) đưa ra, cho chúng ta một cách nhìn rõ hơn về các thành phần của nhân cách và các mối liên hệ qua lại, thúc đẩy, kiểm soát, kiềm chế lẫn nhau.

 

                                                                                Trần Thị Thanh Huyền

                        * Tài liệu tham khảo:

1-     Mô hình nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước, Hà Nội, 2000.

2-    Mayer, J. D, Salovey. P. & Caruso. D. (2000). Models of Emotional Intelligence. In R. J. Sternberg (Ed). (2000). Hand book of Intelligence. Cambrige University Press.

3-    PGS.TS Nguyễn Công Khanh , Bài giảng về PP luận nghiên cứu và đo lường nhân cách.

 
Đang trực tuyến: 1172
Tổng lượt truy cập: 9841238
TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM QUẢNG TRỊ
Top
script type="text/javascript"> $(function () { $("#ScrollTop").click(function () { $('html, body').animate({ scrollTop: $("#tophead").offset().top }, 1000); }); if (document.body.offsetWidth <= 1024) { $(".wrapper:not(.wrapper2)").css("overflow", "hidden"); } }); var font = 13; function ChangeFont(add) { font += add; $("#body *").css("font-size", font + "px"); }