A A+
Triết lý ở hiền gặp lành và ước mơ công lý của nhân dân trong truyện cổ tịch Việt Nam
[ Ngày đăng: 22/04/2013 11:15:49 SA, lượt xem: 39526 ]

 

 

 

TRIẾT LÝ Ở HIỀN GẶP LÀNH VÀ ƯỚC MƠ CÔNG LÝ CỦA NHÂN DÂN TRONG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM

                                                                                                Lương Thị Tố Uyên

                                                                                                Khoa Xã hội

“Ở hiền gặp lành” là niềm tin và triết lí được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau trong hầu hết các thể loại sáng tác dân gian truyền thống của người Việt ( tục ngữ, ca dao, chèo...), nhưng tập trung nhất là ở truyện cổ tích, đặc biệt là ở bộ phận cổ tích thần kì - bộ phận quan trọng và tiêu biểu nhất của truyện cổ tích. Triết lí này chi phối toàn bộ quá trình hình thành và phát triển của truyện cổ tích thần kì về nhiều mặt (đề tài, chủ đề, xây dựng cốt truyện, nhân vật...).

 

Trước hết, đây là niềm tin và mơ ước của nhân dân. Nó chi phối toàn bộ sự xây dựng và phát triển của các nhân vật chính diện, phản diện và lực lượng thần kì ở trong truyện cổ tích.

Đối với các nhân vật chính diện (Thạch Sanh, cô Tấm, người em trong truyện Cây Khế...) tác giả dân gian không chỉ dừng lại ở sự phản ánh và cảm thông đối với những đau khổ, đắng cay, oan ức của họ mà còn đặc biệt quan tâm, tìm cách, tìm đường giải thoát cho họ để họ được đền bù xứng đáng. Nhờ vậy mà nhiều nhân vật chính diện trong truyện cổ tích đã được đổi đời, được đền bù thích đáng làm cho cả người kể lẫn người nghe đều hả hê, sung sướng (Sọ Dừa thi đổ trạng nguyên và lấy được con gái phú ông, Tấm trở thành hoàng hậu, Thạch Sanh lấy công chúa và lên làm vua...).

Đối với các nhân vật phản diện (Lí Thông, mẹ con nhà Cám, người anh tham lam trong truyện Cây Khế...) thì tác giả dân gian không chỉ phản ánh, tố cáo, lên án sự tham lam, ích kỉ. độc ác, dã man của chúng mà còn tìm cách loại trừ, tiêu diệt chúng để cho những người lương thiện được sống yên vui. Vì thế hầu hết các nhân vạt phản diện trong truyện cổ tích đều dẫn đến kết cục bi thảm và bị trừng phạt thích đáng. Mức độ và hình thức thưởng phạt đối với các nhân vật chính diện và phản diện ở trong truyện cổ tích Việt được thực hiện có phân biệt, tương xứng với tài đức, tội trạng của từng nhân vật. Cô Tấm đẹp người, đẹp nết, chịu thương chịu khó, chịu nhiều thiệt thòi, được lấy vua trở thành hoàng hậu. Thạch Sanh có tài năng, mức độ, có nhiều công tích được lấy công chúa làm vua, Sọ Dừa thì đổ trạng. Người em (trong truyện Cây Khế) là người nghèo khổ, hiền lành, thật thà nhưng không có tài năng, công tích gì đặc biệt nên chỉ được Chim thần cho vàng (vừa đầy chiếc túi “ba gang”) để trở thành giàu có mà thôi. Đối với các nhân vật phản diện, sự trừng phạt cũng có sự phân biệt rỏ rệt. Lí Thông tham tài, tham sắc, tham danh vọng, địa vị, vong ân bội nghĩa, lợi dụng, lùa gạt, cướp công và hãm hại Thạch Sanh thì bị trời đánh hoá thành kiếp bọ hung, đời đời chui rúc nơi hôi hám. Người Anh (trong truyện Cây khế) ích kỉ, tham lam thì Chim thần cũng chỉ “chiều” theo tham vọng của hắn để cho hắn phải tự chuốc lấy cái chết nhục nhã mà thôi. Còn ở truyện Tám Cám thì sự trừng phạt nhân vật phản diện có phần đặc biệt so với nhiều truyện cổ tích khác. Và đây là một trong những chổ có vấn đề đã từng gây ra sự tranh cãi giữa các nhà nghiên cứu. Người thì cho Tấm trừng trị mẹ con nhà Cám như thế là phải, là thích đáng. Người thì cho cách trả thù của Tấm  (giết Cám bằng nước sôi, rồi muối thành mắm...) như thế là quá quắt, trái với bản tính hiền lành vốn có của Tấm và cũng trái với truyền thống khoan dung, rộng lượng của dân tộc. Do đó có người đã đề nghị không nên đưa truyện Tấm Cám vào chương trình văn học dân gian trường phổ thông.

Quả thực cách trả thù của Tấm đối với mẹ con nhà Cám là rất đặc biệt, khác với thông lệ của truyện cổ tích. Thông thưòng trong truyện cổ tích, các nhân vật chính diện ít khi trực tiếp trả thù các nhân vật phản diện. Thạch Sanh hoàn toàn tha bổng cho mẹ con Lí Thông; người em trong truyện cây khế không hề phàn nàn, oán trách người anh tham lam; Sọ Dừa và vợ chàng cũng không hề đả động gì đến tội trạng của hai người chị gái (con phú ông)... việc trừng phạt các nhân vật phản diện trong truyện cổ tích phần lớn là do các lực lượng thần kì (Trời, Phật, Thần linh...) thực hiện, hoặc do bản thân các nhân vật tự chuốc lấy. Trái lại, ở truyện Tấm Cám, các tác giả dân gian đã để cho Tấm trực tiếp trả thù và trả thù một cách quyết liệt, dữ dội đối với mẹ con nhà Cám khiến cho tính cách của Tấm phát triển thành hai phần, hai giai đoạn khác nhau và đối lập nhau rõ rệt. Giai đoạn đầu khi còn sống (lúc còn ở nhà với dì ghẻ và Cám cũng như khi đã vào cung vua làm hoàng hậu) Tấm rất hiền lành, chịu thương, chịu khó, thậm chí rất yếu đuối (chỉ biết khóc mỗi khi gặp khó khăn) và nhẹ dạ, cả tin (nên bị Cám cướp giật liên tiếp: cướp giỏ cá, cướp quyêng đi trảy hội, cướp chồng...). Nhưng sau khi bị giết, trải qua nhiều kiếp (kiếp người, kiếp chim, kiếp xoan đào, kiếp khung cửi, kiếp thị) và trở lại làm người thì Tấm trở thành một người khác hẳn: đáo để, kiên quyết, chỉ tên vạch mặt kẻ thù đến nơi đến chốn và trừng trị chúng một cách không thương tiếc. Ở đây có sự kết hợp, hoà trộn giữa niềm tin và triết lí truyền thống “ở hiền gặp lành” của nhân dân và thuyết luân hồi, quả báo (“thiện giả thiện báo, ác giả ác báo”) của đạo Phật. Vì thế mà có hai cô Tấm khác nhau rõ rệt. Cô Tấm thứ nhất (từ đầu cho đến khi trở thành hoàng hậu) về cơ bản đồng dạng với các nhân vật chính diện khác của truyện cổ tích (cuộc đời cũng gồm hai phần:  phần hiện thực và phần ước mơ, phần tối tăm và phần tươi sáng). Cô Tấm thứ hai (từ khi trèo cau bị giết cho đến khi trở lại làm người trải qua nhiều kiếp khác nhau) chủ yếu là nhân vật của sự trả thù, báo ứng, không còn là nhân vật phổ biến, thông thường trong cổ tích nữa. Và đây chính là chỗ đặc biệt trong truyện Tấm Cám so với các truyện cổ tích khác. Với mức độ khác nhau, cả hai cô Tấm ấy đều phù hợp với triết lí “ở hiền gặp lành” và ước mơ công lí của nhân dân. Việc xây dựng cô Tấm thứ hai (hay giai đoạn thứ hai của nhân vật Tấm) cho thấy tác giả dân gian của truyện này có cái nhìn hiện thực xã hội rất sâu sắc và sự phản ánh ước mơ công lí của nhân dân rất triệt để.

Tác giả không bằng lòng kết thúc truyện một cách “có hậu” ở việc Tấm lấy được vua và trở thành hoàng hậu (mặc dù truyện đến đây đã khá dài và có đầy đủ các bước phát triển như nhiều truyện cổ tích thần kỳ khác).

Sự kiện bà hoàng hậu Tấm về nhà làm giỗ cha và bị mẹ con nhà Cám giết chết mở đầu cho phần thứ hai của truyện Tấm Cám, phản ánh sâu sắc và triệt để hơn xung đột quyền lợi trong xã hội phong kiến và khát vọng chính nghĩa thắng gian tà của nhân dân. Với phần thứ nhất truyện Tấm Cám chỉ mới nói được vấn đề “người hiền” có thể và cần phải được “gặp lành”. Với phần thứ hai, tác giả mới nói được rõ hơn, đầy đủ và sâu sắc hơn kinh nghiệm và lí tưởng sống của mình là: “người hiền” không dễ gì sống yên ổn với “điều lành” khi “kẻ ác” còn tồn tại, chưa bị loại bỏ.

Nếu như ở phần thứ nhất kẻ cướp công của Tấm là Cám thì ở phần thứ hai, sự căm phẫn và trả thù của Tấm cũng chủ yếu hướng vào nhân vật Cám.

Từ tiếng nói của chim Vàng Anh (“phơi bờ rào tao cào mặt ra!”) đến tiếng kêu của chiếc khung cửi (“kẻo cà kẻo kẹt - lấy tranh chồng chị - chị khoét mắt ra!”), đến việc giết Cám trong hố nước sôi đều thể hiện điều đó. Điều này chứng tỏ chủ đề chính của truyện Tấm Cám là vấn đề xung đột của hai chị em cùng cha khác mẹ, xung đột “Tám Cám” (như tên của truyện). Vấn đề mâu thuẫn gì ghẻ con chồng chỉ là chủ đề kết hợp và thứ yếu mà thôi.

Sẽ là một thiếu sót đáng kể nếu không nói đến các nhân vật thần kì, siêu nhiên, khi bàn về triết lí “ở hiền gặp lành” và ước mơ công lí của nhân dân ở trong truyện cổ tích.

Khi khát vọng công lí và niềm tin “ở hiền gặp lành” chưa có điều kiện để thực hiện được nhiều trong đời sống thực tế, tác giả truyện cổ tích đã dùng các nhân vật thần kì, siêu nhiên để thực hiện ở trong trí tưởng tượng và bằng trí tưởng tượng.

Lực lượng thần kì, siêu nhiên ở trong truyện cổ tích Việt rất phong phú, đa dạng, bao gồm các nhân vật thần kì (như Tiên, Bụt, Thần linh, Diêm Vương), các con vật siêu nhiên (như Trăn Thần, Rắn Thần, Têy Tinh, Hồ Tinh...), các vật thiêng có phép lạ (như gậy Thần, Đàn Thần, Cung Thần, Niêu cơm Thần, chiếc áo tàng hình...).

Lực lượng nảy sinh ra từ nhiều nguồn gốc khác nhau, như quan niệm thần linh trong thần thoại, sự tín ngưỡng của nhân dân, ảnh hưởng của các tôn giáo (đạo Phật, đạo Lão...), nhưng đã được nhào nặn lại theo quan niệm và lí tưởng thẩm mĩ của tác giả truyện cổ tích. Vì thế lực lượng thần kì trong cổ tích không giống với các vị thần trong thần thoại và các tôn giáo đã sản sinh ra chúng. Lực lượng thần kì trong truyện cổ tích không phải là hiện thân của các lực lượng tự nhiên như các vị thần (Thần Mưa, Thần Gió...) trong thần thoại mà ít nhiều đều mang tính xã hội, tính giai cấp. Tiên, Phật (hay Bụt) trong truyện cổ tích chỉ giúp những người nghèo khổ, lương thiện (như Tấm, Thạch Sanh...) chứ không giúp kể ác (như Cám, Lí Thông...). Có khi nhân vật thần kì tỏ ra vô tư, trung lập, không thiên vị, nhưng cuối cùng vẫn gây ra những tác dụng ngược nhau đối với nhân vật chính diện và phản diện. Chẳng hạn con Chim thần trong truyện Cây khế đã nói với người em và người anh một câu như nhau (“Ăn một quả trả cục vàng – May túi ba gang mang đi mà đựng”) và đã đưa cả người anh lẫn người em đến đảo vàng ngoài biển xa. Nhưng sức Chim thần có giới hạn, nên không mang nỗi số vàng quá nhiều của người anh tham lam, khiến cho y pahỉ mất mạng. Cây đàn thần (trong truyện thạch Sanh) cũng chỉ phát huy được tác dụng kì diệu khi vào tay Thạch Sanh mà thôi (vua Thuỷ Tề có cây đàn thần mà vẫn phải chịu bó tay để cho yêu quái bắt Thái tử nhốt trong cũi sắt).

Phần lớn các lực lượng thần kì trong truyện cổ tích đều chỉ xuất hiện khi nhân vật chính diện gặp tai nạn, bế tắc, cần sự giúp đỡ. Nhưng cũng có khi bản thân nhân vật chính diện mang trong mình yếu tố thần kì (ví dụ Thạch Sanh, Sọ Dừa, người vợ Cóc trong truyện lấy vợ Cóc), Thạch Sanh là người nhưng có nguồn gốc siêu nhiên (là thái tử con Ngọc Hoàng, đàu thai vào nhà họ Thạch, năm 13 tuổi đã được Tiên ông dạy cho các phép võ nghệ thần thông). Sọ Dừa cũng có nguồn gốc phi thường (ẩn trong lốt sọ xấu xí, đáng sợ nhưng vốn là “người trời”, tài giỏi và chỉ một mình cô con út của phú ông sớm nhận ra điều kì diệu đó).

Trong kho tàng cổ tích của người Việt, truyện Thạch Sanh đáng được coi là tác phẩm lớn nhất, hoàn hảo và tiêu biểu nhất xét về nhiều phương diện: đề tài, chủ đề, hệ thống nhân vật (chính diện, phản diện, thần kì...)

Xét về đề tài, truyện Thạch Sanh vừa hướng vào đề tài đấu tranh thiên nhiên (trừ diệt ba con quái vật hại người), vừa hướng vào đề tài đấu tranh thiện, ác mang tính giai cấp (giữa Thạc Sanh và Lí thông), vừa có đề tài đấu tranh chống ngoại xâm (với quân 18 nước chư hầu). Ngoài chủ đề chính là xung đột thiện – ác giữa Thạch Sanh – Lí Thông vừa có tính gia đình (anh em nuôi), vừa mang tính xã hội, còn có chủ đề phụ kết hợp là quan hệ tình duyên giữa Thạc Sanh và công chúa. Các cuộc đụng độ giữa Thạch Sanh với ba con quái vật và quân 18 nước chư hầu đều có quan hệ mật thiết với hai chủ đề chính phụ nói trên.

Thạch Sanh đã hoạt động trong một không gian rất rộng, bao gồm bốn cõi (từ”cõi trời” đầu thai vào nhà họ Thạch làm người hạ giới, rồi từ cõi trần, xuống hang động, từ hang động xuống thuỷ cung và cuối cùng mới trở lại trần gian).

Số lượng nhân vật trong truyện Thạch Sanh rất đông (trên 20 nhân vật và vật thần kì khác nhau), được phân làm hai tuyến (chính diện và phản diện). Ở mỗi tuyến đều có nhân vật là người và nhân vật siêu nhiên, kì ảo. Tuyến chính diện gồm các nhân vật là người (Thạch Sanh, công chúa, vua (cha của công chúa) và cha mẹ Thạch Sanh). Các nhân vật siêu nhiên (Ngọc Hoàng, Tiên Ông, vua Thuỷ Tề, Thái tử con vua Thuỷ Tề) và các nhân vật thần kì (Cung thần, Đàn thần, Niêu cơm thần). Tuyến nhân vật phản diện cũng bao gồm các nhân vật là người (Lí Thông, mẹ Lí Thông, Quân 18 nước chư hầu) và các quái vật thần kì (Trăn Tinh, Đại Bàng, Hồ TInh).

Thạch Sanh là nhân vật có nguồn góc siêu nhiên, là “con trời” nhưng đã đầu thai vào nhà họ Thạch và được trần gian hoá, xã hội hoá hoàn toàn (có cha mẹ, quê hương, có một cuộc đời phong phú với nhiều thân phận, công việc và kì tích khác nhau: trẻ mồ côi, người tiều phu, người ở dưới hình thức em nuôi, dũng sĩ diệt trừ yêu quái cứu người...).

      Có thể nói Thạch Sanh là con người đẹp nhất, phong phú và hoàn hảo nhất trong những nhân vật chính diện mà truyện cổ tích Việt Nam đã xây dựng.

 

                                                                                                Đông Hà, tháng 4/2013

 

 

 

 

 
Đang trực tuyến: 1093
Tổng lượt truy cập: 9841081
TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM QUẢNG TRỊ
Top
script type="text/javascript"> $(function () { $("#ScrollTop").click(function () { $('html, body').animate({ scrollTop: $("#tophead").offset().top }, 1000); }); if (document.body.offsetWidth <= 1024) { $(".wrapper:not(.wrapper2)").css("overflow", "hidden"); } }); var font = 13; function ChangeFont(add) { font += add; $("#body *").css("font-size", font + "px"); }