“Tớ chán nhạc trẻ ngày nay. Ngổn ngang, ngớ ngẩn, ngờ nghệch, ngu ngơ…”. Nhắc đến nhạc trẻ, bạn tôi thường phù má, trợn tròn mắt, dùng những “mĩ từ” khó chịu… Đối với thính giả bướng bỉnh này, nhạc trẻ là món lẩu hỗ lốn, quá nhiều gia vị dẫn đến vô vị. Mỗi lần như thế, tôi chỉ cười.
Đến giờ, nhiều người vẫn gật gù với giai điệu đẹp của nhạc tiền chiến ví như: Mơ hoa, Cô láng giềng, Sơn nữ ca… Trái tim còn rung trước nhạc khúc cách mạng “máu và hoa”: Chào em cô gái Lam Hồng, Tình em, Đồng đội… Cuộc sống đổi thay, âm nhạc trở mình. Nhạc trẻ xuất hiện theo quy luật. Trong quá trình thai nghén ban đầu, vô số ca khúc mới đến với công chúng, đón nhận sự thanh lọc của thời gian. Nhiều thính giả quên mất điều đó. Họ áp đặt nhạc trẻ ngay lập tức phải vượt qua những tác phẩm từng gợn sóng lòng mình. Đa phần nghe qua vài ba ca khúc rồi đánh đồng bình phẩm: “Nhạc trẻ sến quá!”, “Lời thì quằn quại, nhạc thì chát chúa”…
Trước đây, tôi yêu nhạc tiền chiến, cũng “say” những bài ca cách mạng. Dần bắt tay làm bạn với nhạc trẻ, tôi khám phá ra: trong thế giới ấy bên một số tác phẩm “phá màng nhỉ” có nhiều bản đáng để nghe, nhớ và yêu.
Đến với âm nhạc hiện nay, bạn sẽ bắt gặp cảnh sắc đẹp dật dìu hòa từng nốt nhạc. Không khó khi bạn tìm cho mình bức tranh lãng mạn: “Chiều buông nắng/ Hoàng hôn khuất sau chân trời/ Chiều ngoại ô, gió khẽ luồn tóc em/ Kìa xa xa luỹ tre giang tay đón chào/ Cong cong con đường uốn quanh…” (Chuyện – Anh Minh). Cảnh sắc tươi vui, hé nụ cười: “Nắng lên rồi đêm vội đi ngày đang tới/ Đất với trời bắt tay nói câu chào nhau…” (Nắng vàng, biển xanh và anh – Lê Lựu Hà). Vẫn còn nhiều bức họa nên duyên, nên nhạc khiến bạn không chỉ mường tượng mà còn yêu đời hơn: Gọi cầu vồng (Hoàng Quân), Ngọn đồi chong chóng (Nguyễn Hoàng Linh), Mùa thu vàng (Ngọc Châu)…
Trong bức tranh đa màu ấy, con người hiện lên đầy ý nhạc. Nếu hình ảnh “Đêm qua mơ dáng em đang ôm dàn dìu muôn tiếng tơ/ Không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ/ Mái tóc nhẹ rung, trăng vờn làn gió…” (Dư âm – Nguyễn Văn Tý) làm đê mê trái tim, hình ảnh “…Cô gái miền quê ra đi cứu nước/ Mái tóc xanh xanh tuổi trăng tròn…” (Cô gái mở đường – Xuân Giao) bước ra từ chiến tranh khiến bao thế hệ xao xuyến… thì hình ảnh con người cũng hiện lên quyến rũ trong nhạc trẻ. Có chàng trai nào không khẽ xúc động với hình ảnh người con gái tinh khôi đến lạ: “Dường như nắng đã làm má em thêm hồng/ Làn mây bay đã yêu tóc em…” (Xe đạp – Lời Việt: Đinh Mạnh Ninh). Ngay hình ảnh những chàng trai cũng “ghi điểm” dù không rõ vóc hình: “gã khờ ngượng ngịu đứng làm thơ”(Phượng hồng – Nhạc: Vũ Hoàng, thơ: Đỗ Trung Quân), “Miên man bên trang thư tình gửi đến em” (Bức thư tình đầu tiên – Đỗ Bảo)….
Sẽ không còn ngôn từ nhăng nhít, triết lí “nước ốc”, “tình cảm hạt nhân”… khi bạn nghe những nhạc phẩm đúng nghĩa. Tình cảm giới trẻ truyền vào ca khúc ngọt ngào không kém cạnh giai đoạn trước. Tình cảm của con dành cho cha mẹ vẫn ghi dấu trong nhiều nhạc phẩm: “Lời mẹ à ơi như suối mát trong/ Lời dạy của cha cho con lớn khôn” (Bóng cả - Vũ Quốc Việt) , “…Ðể hàng đêm sân khấu lên đèn là bao giọt mồ hôi của cha/ Con vẫn đứng khép nép bên cha và lặng lẽ nghe những tiếng thở dài…” (Ánh mắt của cha – Minh Châu). Có thấm thía sự hi sinh của người làm cha, làm mẹ, có trải nghiệm sâu dày… nhạc sĩ ngày nay mới có những bản nhạc như thế. Nghe Hồ Quỳnh Hương hát Mẹ! Con đã về (Mạnh Quân), Bảo Thy hát Con yêu mẹ (Liêu Hưng), Lam Trường hát Cha yêu (Quốc Vương)…, tôi cảm nhận thấy tình cảm ấm nồng của nhạc sĩ lẫn ca sĩ. Những cung bậc tình cảm khác cũng tuôn chảy, ta phải kể đến: tình thầy cô (Người thầy, Lời thầy cô…), tình bạn (Những người bạn bên tôi, Khúc yêu thương…), tình yêu cuộc sống (Bức tranh muôn màu, Ơi! Cuộc sống mến thương…), tình thương đối với những mảnh đời không lành lặn (Dấu chẩm hỏi, Đứa bé…)….
Dù gì tình yêu vẫn ngự ở ngôi vị bà hoàng của nhạc trẻ. Những bản tình ca nay rót mật vào tim bạn trẻ với giai điệu gần gũi, ca từ sâu sắc. Nó vẽ nên khoảnh khắc xuyến xao ban đầu: “Biết bao ngày ngược xuôi trên phố dài/ Lòng xao xuyến khi anh nhìn thấy em…” (Yêu em – Trung Kiên), là phút người con gái thủ thỉ: “Ngủ ngoan anh nhé tình yêu của em/ Và ngày mai sẽ ngọt ngào những ước hẹn…” (Cơn gió lạ - Mạnh Quân), là lúc chàng trai tâm sự: “Vì nếu em cần một bờ vai êm, nếu em cần những phút bình yên, anh sẽ đến ngồi kề bên em….” (Bản tình ca đầu tiên – Duy Khoa)… Khi tình yêu tan vỡ, nếu nghe Lời yêu xa (An Hiếu), Nếu phải xa nhau (Xuân Phương), Một vòng trái đất (Nhất Trung), Mối tình đầu (Thế Duy) … trái tim bạn sẽ được hàn gắn. Mới hay: đâu phải tình yêu trong nhạc trẻ đang “loạn”, chỉ tại bạn mới chỉ liếc nhìn rồi chỉ trỏ bình phẩm mà thôi.
Tác phẩm nhạc trẻ hiện nay “Vàng thau lẫn lộn” nhưng theo tôi “vàng” vẫn chiếm phần nhiều. Tôi thấy “vàng” ở những hình ảnh đẹp, tình người đẹp, những bản phối độc đáo như: Con cò, Chuông gió, Quạt giấy… do nhạc sĩ tạo ra. “Vàng” ở giọng hát, cái tâm trong sáng của nhiều ca sĩ…
Mỗi ngày, tôi dành 30 phút trong quỹ thời gian ít ỏi của mình để nghe nhạc trẻ. Bản thân cũng không quên “cập nhật” thông tin về Bài hát việt, Hot ten trên FM… Từ tâm tôi không muốn chôn vùi những bản nhạc trẻ để đời cùng những nhạc phẩm “hổ lốn” (tất yếu sẽ có) khác... Đãi cát mới tìm được vàng, nhạc trẻ vẫn có nhiều tác phẩm giá trị. Điều này chỉ có thể nhận ra nếu ta thiện cảm với nhạc trẻ…
Từ nay, tôi sẽ không cười mỗi lần bạn tôi cong môi, nhăn mặt bình phẩm nhạc trẻ. Tôi sẽ khuyên bạn ấy: “Bạn ơi! Hãy nhìn nhạc trẻ bằng đôi mắt người đang yêu ấy…”.
Nguyễn Thị Thu Chi
(TT.NCVHTV sông Mekong)