A A+
Đến nơi gió núi, mây ngàn
[ Ngày đăng: 06/09/2012 1:48:08 SA, lượt xem: 1374 ]

Đầu xuân, những vạt nắng vàng dịu khiến không gian như bừng sáng. Cơn mưa sướt mướt mang theo cái rét cắt da, cắt thịt của mùa đông chẳng còn hiện hữu. Sau giấc ngủ dài, cảnh vật và con người dường như được tiếp thêm nhựa sống, tràn trề năng lượng. Tạm gác công việc bộn bề, chúng tôi bỏ phố hội nhộn nhịp sau lưng để bắt đầu hành trình khám phá danh thắng Khe Gió – một điểm đến thú vị đối với những người ưa ngao du sơn thủy.


 
Đường đến Khe Gió

Thực ra, quyết định đến Khe Gió của chúng tôi bắt đầu từ câu nói xoáy của Tuyên, một người bạn đến từ Đà Nẵng: “Phượt Khe Gió đi. Thể nào cũng mê ly cho xem. Thắng cảnh quê hương mình mà để người khác chiêm ngưỡng trước, rồi giới thiệu lại thì không được”. Tuyên xua tay, cười. Tôi hiểu cậu ấy chỉ nói đùa như thông lệ. Là tín đồ du lịch, Tuyên đã đặt chân đến nhiều địa danh trên khắp đất nước với hành trang đơn giản chỉ là chiếc ba lô và số tiền học bổng dành dụm. Sau mỗi chuyến đi, Tuyên lại đem ảnh ra khoe, rồi cười típ mắt khi nghe những lời xuýt xoa khen tặng. Đáng tiếc là máu “xê dịch” của Tuyên chẳng đủ sức làm thay đổi chúng tôi, những thanh niên trẻ nhưng lại... lười nhác vận động. Đến hôm nay, khi nghe Tuyên nói về Khe Gió, chúng tôi chợt giật mình, vội điểm lại những địa danh trên quê hương mà bản thân từng đi qua, để rồi nhận ra “vốn liếng” ấy quá nghèo nàn. Chuyến hành trình đến Khe Gió nhanh chóng được ấn định, hứa hẹn sẽ là điểm đầu tiên trên con đường khám phá mảnh đất chúng tôi ra đời.

Dưới cái nắng vàng óng ả, nhóm chúng tôi lái xe theo tuyến Quốc lộ 9, ngược lên phía Tây tỉnh Quảng Trị. Cô bạn ngồi sau lưng rút điện thoại di động, vào mạng tra cứu thông tin về Khe Gió, rồi hớn hở nói: “Khe Gió không chỉ là thắng cảnh đẹp mà còn là địa danh lịch sử nổi tiếng gắn với chiến dịch Đường 9 – Nam Lào đấy. Khe Gió nằm khá gần Cao điểm 241, Hang Dơi và cả Thành Tân Sở nữa”. Sau đó, cô bạn tiếp tục tra cứu bản đồ tự động, rành rọt chỉ lối đi. Từ ngã ba Quốc lộ 9, chúng tôi lần theo con đường rẽ vào Cao điểm 241, thuộc địa phận xã Cam Thành, huyện Cam Lộ. Hình ảnh phố hội với hàng trăm ngôi nhà cao chót vót, khô cứng như biến mất trong tâm trí mọi người, thay vào đó là triền đồi thoai thoải với những vườn sắn, vườn cao su xanh ngút ngàn. Đang bon bon trên chiếc xe máy, chúng tôi gặp một con suối cạn chắn ngang lộ trình. Người dân nơi đây cho biết, con suối này chính là nguồn nước của Khe Gió, chảy ra phía cầu Đầu Mầu, trước khi hoà vào thượng nguồn sông Hiếu. Xốc lại hành trang, mọi người quyết vượt chướng ngại đầu tiên. Men theo thân suối, ai cũng ái ngại mỗi khi đặt chân lên những tảng đá trơn nhẫy, xanh rì. Thỉnh thoảng, vài bạn nữ lại giật thột, rồi cười rũ rượi khi bắt gặp những chú ếch ương, giương mắt nhìn ngơ ngác. Dần quen với con đường, các thành viên trong nhóm nhanh chóng lấy lại tinh thần. Ai cũng tìm ra cho mình không gian riêng ở vùng đất này để thỏa sức nghe tiếng suối chảy róc rách, ngắm những bông hoa dại bé xíu và hít thở “mùi vị đại ngàn”...

Càng đi sâu vào rừng, quang cảnh càng hoang sơ và đẹp lạ thường. Vì thế, hành trình của chúng tôi dường như ngắn lại. Giữa chặng, nếu ưng ý, bạn có thể thảnh thơi ngồi hóng gió trên hàng chục phiến đá bằng phẳng, tựa tấm phản lớn. Cậu bạn của tôi vốn đam mê cờ tướng xuýt xoa nói: “Giá như có bộ cờ, một ấm trà nữa thì hay biết mấy!”. Thế nhưng, ấn tượng lớn nhất đối có lẽ là hàng trăm cây cổ thụ sừng sững, tán cây che rợp góc trời. Bộ rễ được tạo thành những hình thù lạ lùng, bám chặt từng phiến đá như gắn bó máu thịt. Trên tán cây, các loại dây leo “đan lưới” chằng chịt. Những bông hoa rừng chúm chím nở điểm xuyết màu sắc cho bức tranh sơn thủy. Đặc biệt, các cây cổ thụ ở đây mọc gần như song đôi như thể có ai đó đã vun trồng từ rất lâu. Và, hôm nay, du khách chỉ cần làm một thao tác đơn giản là có thể mắc chiếc võng cá nhân để nghỉ ngơi trong phút chốc. Có lẽ chẳng gì tuyệt hơn là được ngả lưng dưới tán cây râm mát, hít hà bầu không khí trong lành, nghe tiếng suối chảy tựa tiếng đàn cầm...

Mất non một giờ đồng hồ, chúng tôi mới đến khu vực trung tâm Khe Gió. Vài thành viên trong đoàn khẽ reo lên với phát hiện lí thú về tên gọi của địa danh này. Nơi đây, gió chính xác là... “đặc sản”. Gió lồng lộng thổi phát tán mùi hương núi rừng, gió uốn lượn mang theo hơi nước mát rượi, gió vi vu thổi hòa cùng tiếng thác đổ, chim kêu tựa dàn hợp ca. Gió đại ngàn như thổi tan mọi mệt mỏi, ưu tư trần tục đang vấn vương trong tâm trí lữ khách. Đến đây, nhiều người thích thú nhận ra, bàn tay tạo hóa sắp đặt rất khéo cảnh quan với thác nước đổ từ cao xuống, tung bọt trắng xóa; hồ “tiên nữ” trong veo, nước mát rượi; bãi đá lô nhô, nhiều tầng nấc; rừng cây bonsai muôn màu, muôn vẻ... Khe Gió tựa hòn non bộ với chất liệu kiến tạo là đá, nước và cây. Tuy nhiên, hình ảnh thác nước tuôn trào, tung bọt lưng trời vẫn để lại ấn tượng mạnh nhất. Nếu giàu trí tưởng tượng, ta sẽ hình dung dòng nước bạc đổ từ cao xuống như suối tóc của một cô gái, đẹp và quyến rũ lạ kì. Điều khá thú vị là khi ánh chiều đổ bóng, nơi đây thường xuất hiện cầu vồng như chiếc kẹp sang trọng cài trên mái tóc người thiếu nữ. Đó cũng chính là lí do khiến nhiều bạn trẻ cố nán lại Khe Gió khi chiều về để ghi lại hình ảnh huy hoàng này.

Sau chuyến hành trình, tôi có ý định lên blog cá nhân để chia sẻ cảm nhận riêng về thắng cảnh Khe Gió. Vô tình, tôi truy cập vào Cổng thông tin Du lịch Quảng Trị và website của huyện Cam Lộ, được biết, những năm gần đây, lãnh đạo huyện Cam Lộ đã lên ý tưởng biến Khe Gió thành điểm du lịch sinh thái. Khe Gió có rất nhiều lợi thế như chỉ cách trung tâm thành phố Đông Hà tầm 20 km, nằm trên trục giao thông thông suốt; gần địa danh lịch sử Cao điểm 241, di tích thành Tân Sở; không xa hang Dơi, nơi các nhà khảo cổ tìm thấy nhiều hiện vật có từ thời nguyên thủy... Như vậy, chỉ cần đầu tư, phục dựng tổng thể thì các di tích lịch sử, thắng cảnh sẽ hình thành theo một lộ trình khép kín để khách có thể vừa tham quan, khám phá vừa tìm hiểu lịch sử - văn hóa địa phương. Riêng với thắng cảnh Khe Gió, thiết nghĩ chỉ cần mở đường vào khu vực tham quan, bố trí điểm dừng chân hợp lí, mở dịch vụ trông giữ xe, bán thức ăn, nước uống... thì ắt hẳn số lượng khách du lịch đến đây sẽ tăng theo cấp số nhân.


 
Cảnh vật ở Khe Gió rất hoang sơ và hùng vĩ

Những người bạn của tôi bảo, họ “nhận” rất nhiều từ chuyến tham quan thắng cảnh Khe Gió. Đó đơn giản là phút giây thư giản được ghi lại bởi hàng chục tấm hình ấn tượng; là cơ hội để kiểm tra sức khỏe, độ bền, sự khéo léo và lòng kiên trì; là thời gian để kết nối tình cảm bạn bè... Hơn hết, chuyến đi giúp chúng tôi nhận ra, mảnh đất mình sinh ra có rất nhiều thắng cảnh đẹp, các địa danh, di tích lịch sử nổi tiếng mà những thanh niên trẻ cần khám phá để yêu hơn và chung tay dựng xây quê hương. 

                                                                               Nguyễn Thị Thu Chi
                                                                     Trung tâm NCVHTV Sông Mêkong

 
Đang trực tuyến: 63
Tổng lượt truy cập: 9070167
TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM QUẢNG TRỊ
Top
script type="text/javascript"> $(function () { $("#ScrollTop").click(function () { $('html, body').animate({ scrollTop: $("#tophead").offset().top }, 1000); }); if (document.body.offsetWidth <= 1024) { $(".wrapper:not(.wrapper2)").css("overflow", "hidden"); } }); var font = 13; function ChangeFont(add) { font += add; $("#body *").css("font-size", font + "px"); }