A A+
Thành cổ Quảng Trị - Miền tâm thức vọng về
[ Ngày đăng: 14/12/2011 7:41:57 SA, lượt xem: 7008 ]

Quảng Trị là miền đất nằm ở tâm điểm của khúc ruột miền Trung, nơi tỳ vai gánh hai đầu đất nước. Đây là vùng đất có địa thế vô cùng quan trọng. Nếu trong thời kì phong kiến, Quảng Trị từng được coi là “trấn biên”, là "phên dậu”, thì trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, đất này lại là nơi đối đầu quyết liệt nhất giữa lực lượng cách mạng và phản cách mạng, nơi chứng kiến nỗi đau chia cắt đất nước ròng rã suốt 20 năm. Có thể hình dung, Quảng Trị giống như hình ảnh thu nhỏ của cuộc kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh của dân tộc với các địa danh nổi tiếng như: Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, địa đạo Vịnh Mốc, nhà tù Lao Bảo, Đường 9 Khe Sanh... đặc biệt là Thành Cổ Quảng Trị - một địa chỉ đỏ mà khi nhắc đến thường gợi lên trong mỗi người niềm xót xa xen lẫn tự hào.

 

Cổ thành Đinh Công Tráng là công trình thành lũy bảo vệ kinh đô Huế ở phía Bắc. Thành được xây dựng từ thời Gia Long (1802), nguyên gốc được đắp bằng đất theo dạng hình vuông. Mãi đến năm Minh Mạng  thứ 18 (1837), thành mới được xây lại bằng gạch. Đây là nơi vua ngự mỗi khi tuần thú, nơi làm lễ thăng quan cho các quan cấp tỉnh và cũng là nơi tổ chức các tiết lễ khác trong năm. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Thành Cổ không chỉ là chứng nhân cho quá trình tồn tại, phát triển của cả một triều đại (triều Nguyễn) mà toà thành này còn được cả thế giới biết đến như là "người lính đi đầu" trong Chiến dịch Xuân - Hè 1972.

Nơi đây, trên một diện tích chưa đầy 4 km2 đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom, 1.230.328 viên đạn, pháo các loại và hơn 2000 lượt máy bay oanh kích, với sức công phá tổng cộng gấp 7 lần quả bom nguyên tử mà người Mỹ đã ném xuống Hirôsima (Nhật Bản) trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Số quân Mỹ - Ngụy tham chiến ở Quảng Trị vào thời điểm cao nhất gấp 3 lần dân số của tỉnh. Dưới làn mưa bom bão đạn, 4 bức tường thành bao quanh Thành Cổ dày đến 12m đã bị vỡ dần vì bom đạn và sự chấn động của mặt đất. Cả một thị xã sầm uất đã trở thành một đống tro tàn, khoảng 1 vạn ngôi nhà bị phá huỷ hoàn toàn, "không còn một viên gạch nào dính được vào nhau". Và trên tất cả các bản tin thế giới của các Hãng thông tấn nước ngoài vào thời điểm đó, hàng chữ: "Quang Tri Citadel City” luôn ở trang nhất và là tin “nóng”.

Đây là cuộc chiến mà sự ác liệt và sức huỷ diệt của nó quá sức tuởng tượng, làm chấn động dư luận và lương tri loài người. Chúng ta có thể hình dung phần nào về sự khốc liệt của hai chữ “Chiến tranh” và tinh thần chiến đấu của những chiến sĩ đã dùng chính máu xương của mình để viết nên chiến thắng.

Trở lại chiến trường xưa sau hơn 30 năm, ông Vũ Phúc Ân (Hà Nội) bùi ngùi nhớ lại: “Quảng Trị thời máu lửa chưa có cầu bắc qua sông Thạch Hãn như bây giờ, chúng tôi phải bơi qua sông giữa làn mưa bom của kẻ thù. Nhiều khi, cả đoàn 10 người cùng sang sông thì chỉ có 1,2 người đến được bờ bên kia. Bạn hy sinh nhiều lắm, nuốt nước mắt vào lòng mà tiến về phía trước”.

  Nguyễn Nhân Hậu (người lính Trung đoàn 42 F320) xúc động kể lại những khó khăn mà các chiến sĩ Thành Cổ phải trải qua trong những ngày hè đỏ lửa: “Đơn vị chúng tôi bảo vệ phía đông Thành Cổ, tiểu đoàn trụ được 7 ngày đêm thì phải thay tiểu đoàn khác vào, 7 ngày đêm không ngủ, chỉ ăn lương khô và uống nước. Trong thời gian đó, người nào hy sinh thì sẽ bổ sung người khác vào thay vị trí ngay. Có đồng chí vừa được bổ sung chưa kịp biết tên, quê quán của nhau đã hy sinh. Chỉ huy cũng chưa kịp biết tên, nhớ mặt chiến sĩ”.

Cuộc chiến khốc liệt, những người trực tiếp cầm súng ngày đêm phải đối diện với cái chết luôn cận kề gang tấc, thế nhưng, bom đạn không làm sờn lòng, họ vẫn anh dũng bám trụ giữ từng tấc đất Thành Cổ với tinh thần lạc quan, yêu đời.

Theo lời kể của Đoàn Công Tính, một người đã từng vào sinh ra tử cùng đồng đội trên chiến trường Thành Cổ: Tôi đã được tận mắt nhìn những dòng chữ viết bằng máu trên mũ các chiến sĩ: "Thà hy sinh quyết không rời nhiệm vụ”. Tôi đọc những dòng nhật ký, thư của họ mà không hề thấy sự bi lụy, chỉ thấy thương yêu dành cho người thân, là quyết tâm chiến thắng, là những suy nghĩ trong sáng về lý tưởng tuổi trẻ, là sự dũng cảm mà không phải là liều mạng. Họ sẵn sàng chấp nhận sự hy sinh thanh thản đến lạ lùng chỉ vì 2 chữ thiêng liêng “Tổ quốc”. Có những tấm ảnh tôi chụp vào khoảnh khắc giữa hai loạt bom, giữa hai trận pháo kích ngoài hạm, hay giữa các khoảng ngưng chiến của 2 bên để chuẩn bị cho đợt đánh tiếp, các chiến sĩ ta như không có gì xảy ra, họ đàn hát, có người viết thư, viết nhật ký, có người cắt tóc làm điệu, có người còn làm thơ ngâm nga… như chết chóc bom đạn đang ở đâu xa lắm.

Trong những bức ảnh về Thành Cổ của Đoàn Công Tính, tôi vô cùng ấn tượng trước hình ảnh “Nụ cười dưới chân Thành cổ” - nụ cười như chưa hề đối diện với cái chết. Đó là nụ cười thản nhiên của những con người sẵn sàng xem cái chết nhẹ tựa lông hồng với tinh thần: "Có thể ngày mai, một số trong anh em chúng tôi không còn nữa, nhưng Thành Cổ sẽ sống mãi với lịch sử vinh quang của đất nước”. 
 
Ngày 16-9-1972, toàn bộ lực lượng bộ đội trấn giữ Thành Cổ được lệnh rút về bờ Bắc sông Thạch Hãn. Lúc này, sông Thạch Hãn đang vào mùa lũ lớn. Hàng ngàn chiến sĩ, thương binh khi qua sông đã không còn đủ sức chống chọi với dòng nước lũ đang chảy xiết. Sông Thạch Hãn trong những ngày ấy đã trở thành dòng sông máu, là nơi yên nghỉ vĩnh viễn của các chiến sĩ Thành Cổ kiêu hùng.

Trở lại chiến trường xưa, đứng trước dòng Thạch Hãn hiền hoà mang trong mình bao máu xương của biết bao đồng đội, Lê Bá Dương, một người từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị đã cảm tác những dòng thơ nổi tiếng:

“Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.”

Đó không chỉ là những mất mát xót xa khi mất đi hàng trăm người lính mà còn là nỗi đớn đau khi nhiều người lính không còn đủ hình hài để có thể cắm một tấm bia ghi tên tuổi, thân thể mãi mãi hoà vào những nấm mồ dậy sóng.

  Có thể nói, các chiến sĩ Thành Cổ đã hoàn thành xuất sắc chỉ thị của Quân uỷ Trung ương: “Các đồng chí phải giữ được Thành Cổ bằng mọi giá”. Nhưng mất mát quá lớn: Trong 81 ngày đêm giữ đất, giữ thành, giữ niềm tin, trung bình mỗi ngày, một chiến sĩ Thành Cổ phải hứng chịu trên 100 quả bom và 200 quả đạn pháo và khoảng 1,8 vạn cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, mãi mãi nằm xuống mảnh đất này. Cái giá phải trả cho chiến thắng là quá đắt! Đó là mồ hôi, là máu, là xương của bao người đã ngã xuống và đó còn là nước mắt, là những nỗi đau đến xé lòng của những người ở lại.

   Tự hào xen lẫn niềm cảm thương, những người lính đã hi sinh vì niềm tin vào ngày độc lập, niềm tin chiến thắng.  Họ trước hết là những con người, những chàng trai cô gái đang ở tuổi xuân sắc, cũng có ước mơ hoài bão, cũng muốn sống để yêu thương, cống hiến... nhưng... chiến tranh đã tước mất của họ quyền được sống – cái quyền tối thiểu nhất mà một con người được hưởng. Và càng đau xót hơn khi trong số các chiến sĩ hy sinh tại Thành Cổ trong thời điểm đó thì số thi thể nguyên vẹn không phải là tất cả bởi có những người khi ngã xuống máu xương đã hoàn toàn lẫn vào đất cát, cỏ cây Thành Cổ.

   Mỗi lần trở lại chiến trường xưa, khi những chiến sĩ Thành Cổ may mắn sống sót thắp nén nhang cho đồng đội đã ngã xuống trên mảnh đất anh hùng, thì điều mà người cựu chiến binh trăn trở nhất chính là những nấm mồ vô danh. Một người đã từng vào sinh ra tử ở Thành Cổ tâm sự: “Tôi không thể hình dung và tả hết, chiến tranh quá khốc liệt. Đứng trước hàng nghìn ngôi mộ đồng đội, tôi nhớ đến những người cùng ăn cùng ngủ với mình đêm trước, sớm hôm sau đã hy sinh. Giờ người nằm đây, người không biết nằm đâu trong hàng nghìn nấm mộ vô danh”.

  Tôi đến Thành Cổ vào một ngày mùa xuân và trước mắt là cả khu vực Thành Cổ bạt ngàn hoa trắng. Trong tâm trí tôi bất chợt hiện lên hình ảnh vô số những mái đầu xanh đang chịu tang cho những mái đầu bạc trước cảnh “lá xanh rụng xuống lá vàng trên cây”. Những làn gió nhẹ lướt qua như những lời nhắn gửi, những trăn trở, những tiếng thở dài và những giai điệu bi tráng của những người nằm xuống trên mảnh đất này - những người đã dùng máu đào tô thắm thêm cho trang sử vẻ vang của dân tộc.

Nếu sau này trong số các bạn, ai có cơ hội trở về “miền hồi tưởng” và đặt chân đến Thành Cổ, hãy bước nhẹ thôi nhé! Bên dưới lớp cỏ xanh tươi hay trong dòng nước ngọt kia còn máu xương của đồng bào, chiến sĩ - những người đã trở thành một phần trầm tích sâu dày của quê hương Quảng Trị. Ở đây không đề cập sức nặng của đôi chân mà là chữ “TÂM”, là sự thể hiện lòng kính trọng, biết ơn đối với những người đã ngã xuống vì độc lập - tự do của dân tộc. Và nếu bạn chưa thực sự có ý niệm về điều đó, hãy một lần cảm nhận những câu thơ khóc thương đồng đội vô cùng cảm động của tác giả Phạm Đình Lân trong bài “Tấc đất Thành Cổ”:

“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời cũng tự trong xanh và lộng gió
Dẫu ồn ào đừng lay mạnh hàng cây
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Thành Cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật
Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào
Bạn nằm lại nơi này nơi nao?
Phía đông thành, tây thành hay dưới dòng Thạch Hãn
Tám mươi mốt ngày đêm đất trời ken dày bom đạn
Cát trắng vàng nghiêng lệch cả dòng sông.”
                        
  Chiến tranh đã lùi xa, sức nóng của sự kiện giảm đi nhưng nỗi đau còn đó. Nỗi đau về sự mất mát lớn lao vẫn như ngọn lửa ngày đêm âm ỉ đốt tâm can những người ở lại. Tiếng khóc vẫn ngân dài hàng đêm, đó là tiếng của những người vợ khóc chồng, những người mẹ khóc con, những đứa con trở mình vì những giấc mơ được gặp lại bố mẹ không bao giờ trở thành hiện thực... và đâu đó còn là tiếng lòng thổn thức của những người đồng chí, đồng đội đêm đêm nằm trong chăn ấm vẫn không tìm thấy những giấc ngủ sâu khi nghĩ đến cảnh bạn mình không biết đang nằm lạnh lẽo nơi nào!

  Đau thương nhưng không bi lụy bởi khi tổ quốc cần, những người lính đã dành trọn trái tim thanh xuân, sẵn sàng nằm xuống cho tổ quốc đứng lên. Tôi nhớ mãi câu nói của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường: “Những người chết không phải vì để trở thành anh hùng mà chính là để đằng sau họ những người khác được tiếp tục sống trong tự do và hoà bình, chết cho nhân loại sống còn và thức tỉnh”. Vì vậy tôi tin rằng, sự hi sinh lớn lao của chiến sĩ Thành Cổ sẽ mãi mãi được khắc ghi và hình ảnh những nụ cười bất tử sẽ mãi sống trong tim  mọi người. 
                                                                               
                                                

 
Đang trực tuyến: 55
Tổng lượt truy cập: 9070156
TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM QUẢNG TRỊ
Top
script type="text/javascript"> $(function () { $("#ScrollTop").click(function () { $('html, body').animate({ scrollTop: $("#tophead").offset().top }, 1000); }); if (document.body.offsetWidth <= 1024) { $(".wrapper:not(.wrapper2)").css("overflow", "hidden"); } }); var font = 13; function ChangeFont(add) { font += add; $("#body *").css("font-size", font + "px"); }