A A+
"Sạn" quảng cáo
[ Ngày đăng: 22/06/2012 8:16:10 SA, lượt xem: 609 ]

    “Có lẽ, mình phải hạn chế cho bé xem quảng cáo...”. Một phụ huynh đã tâm sự với tôi như vậy. Biết mình chẳng thể xắn tay “xen vào chuyện nhà đài”, chị đành dùng biện pháp tạm thời: cách li con với... quảng cáo! Theo dõi các chương trình quảng cáo trên truyền hình, mới thấy: lo lắng ấy có cơ sở. Số lượng liên tục tăng, tần số xuất hiện càng dày... quảng cáo càng lộ rõ lắm “sạn”.

    Quảng cáo là phần không thể thiếu đối với nhà đài lẫn khán giả. Đây là nguồn thu hiệu quả, góp phần đầu tư vào các chương trình truyền hình. Là “người bạn đồng hành”, quảng cáo giúp khán giả biết thêm nhiều sản phẩm trên thị trường. Lợi ích hai phía: nhà kinh doanh lẫn khán giả thể hiện rõ qua quảng cáo: nhà kinh doanh bán nhiều sản phẩm hơn, người xem lại được “tư vấn miễn phí”.

    Tuy nhiên, bàn tròn xoay quanh chuyện quảng cáo còn thu hút nhiều ý kiến. “Những hạt sạn” như: thời lượng; tần số lấn át chương trình truyền hình, tình trạng “đặt nhầm chỗ”, ... khiến quảng cáo gây phản cảm.

    Khán giả theo dõi các chương trình truyền hình, nhiều lúc bực bội vì quảng cáo. Các game show, chương trình ca nhạc, phim truyện... bị quảng cáo “lấn át” thê thảm. Khán giả say sưa theo dõi một chương trình truyền hình, tư duy chưa liền mạch đã bị quảng cáo cắt đứt. Thời lượng một tập phim khoảng 45 phút, người xem phải mất hơn 60 phút là chuyện thường. Vì thế, khán giả truyền hình thường sống trong tâm lí “sợ” quảng cáo. Đã thế, tần số quảng cáo hiện nay ngày càng dày. Nhiều khán giả “quay lưng” với chương trình truyền hình chỉ vì quảng cáo chen đến hai, ba lần. “Mỗi lần chờ là một lần bực bội, buồn ngủ... Thôi thì tắt ti vi là xong.” - Nhiều người chọn giải pháp ấy.

    Nhà đài có vẻ chưa quan tâm đến việc đặt quảng cáo đúng chỗ. Đến bữa cơm, các quảng cáo: dung dịch vệ sinh phụ nữ, nước tẩy bồn cầu, thuốc chữa đau bụng... lại rộn rã nhạc hiệu. Có lẽ, khoảnh khắc bình yên trong ngày ấy nên giới thiệu: sữa, cafe, bột ngọt... thì hay hơn.

    Hiện nay, sản phẩm lớn bé đều thi nhau lên sóng quảng cáo. Chưa đề cập đến hiệu quả kinh tế, nhưng có thể thấy: “sạn” quảng cáo ngày càng nhiều. Chuyện quảng cáo “đụng chạm” đến phông văn hóa vẫn là bài ca muôn thưở. Không ít quảng cáo khiến khán giả “ngứa con mắt bên phải, đỏ con mắt bên trái”. Ca sĩ T “nổi bật” trong quảng cáo kem chống nắng. Khoảnh khắc cô vô tư cởi áo ngoài, tung lên trời, rồi cách lắc ngực phong cách... gây cảm giác “khó tả”. Nhiều diễn viên, người mẫu sẵn sàng khoe nách, khoe ngực... trong quảng cáo lăn khử mùi, sữa tắm. Người Việt Nam vốn tế nhị và khá kín đáo. Thế mà...

    Đặc biệt, một số quảng cáo vô tình “hạ bệ” chuẩn văn hóa người Việt. Quảng cáo mì ăn liền G là một ví dụ. Nhiều khán giả xem quảng cáo bất bình trước hành động “người rừng” của chàng trai, mặt mày trông sáng sủa. Anh tì tì “cắm đầu” vào bát mì ăn liền, chẳng thèm chú ý gương mặt xìu như mì nhúng nước của bạn gái. Xem quảng cáo lăn khử mùi R, khán giả dễ tính cũng lắc đầu. Đôi trai gái đang hòa nhịp trong điệu nhảy. Khi “ngửi thấy mùi cơ thể đối phương”, họ nhăn nhó như ăn phải ớt. Quảng cáo vốn để lại dấu ấn khá đậm. Nhưng, lắm lúc đó là dấu ấn xấu. Quảng cáo bia H là một điển hình. Khán giả đi từ tò mò đến khó chịu khi xem xong đoạn clip ngắn. Đập vào mắt công chúng là những cô gái ăn vận sexy đang đùa giỡn với trái bóng. Các cô ưỡn ngực, ưỡn mông... “chơi” bóng. Quảng cáo kết thúc bằng hình ảnh: một chàng trai nhìn như ăn tươi, nuốt sống vào cốc bia. Chưa hết, hai chàng bên cạnh cũng vội vã “làm ngay” một cốc. Có lẽ để thưởng thức sự “tươi” và “mát”.

     Một số quảng cáo lấy bối cảnh học đường, nhưng lại xây dựng các tình huống phản giáo dục. Trong clip quảng cáo một nhãn hiệu bột giặt khá nổi tiếng, cậu bé vã mồ hôi vì bài toán khó. Cậu lấy chiếc khăn tay ra lau, rồi thốt lên: “Ủa! Ai viết vậy?”. Cô giáo mang bản mặt khó đăm đăm, hỏi: “Cái gì đây vậy?”. Thái độ cậu bé với cô giáo khá “láo”. Cậu cười khoái trá như “chơi” cô giáo một vố đau. Chẳng lẽ học đường ngày nay nhiều gương mặt khó đăm đăm của cô giáo, lắm học sinh tiểu học hỗn xược... đến mức phải đưa lên quảng cáo?

    Gần đây, số quảng cáo liên quan đến chuyện phòng the tăng đáng kể. Chuyện nam nữ xuất hiện đầy dụng ý. Các câu slogan: “Một người khỏe, hai người vui” (Đến đây xin thắc mắc 1 xíu xiu: Răng mà không phải: một người khỏe, cả nhà vui nhẩy?), “dạo ngày, tớ thấy cậu vui vẻ một cách bất thường!!!”, “A cho em, B cho anh”,... làm người lớn cười, còn trẻ em lại thắc mắc.

    Nhiều khán giả khó chịu, thậm chí cảm thấy bị xúc phạm khi ngày ngày tiếp xúc các chương trình quảng cáo “văn hóa lùn”. Song, “tâm lí: Thây kệ!” làm nhiều người xuề xòa bỏ qua. Họ đơn thuần không chú ý đến quảng cáo đó nữa, hoặc hành động mạnh tay nhất chỉ đơn thuần: gạch tên sản phẩm đó ra khỏi danh sách hàng hóa cần mua. Nhưng, ít phụ huynh lưu tâm đến ảnh hưởng của nó đối với con trẻ - tín đồ trung thành của quảng cáo. Có lẽ, đã đến lúc khán giả phải lên tiếng trước những quảng cáo thiếu thẩm mĩ. Đặc biệt, đạo diễn chương trình quảng cáo, nhà đài... nên sàng lọc để sản phẩm quảng cáo “văn hóa lùn” không có cơ hội lên sóng truyền hình.

                                                                          NGUYỄN THỊ THU CHI

                                                                 TT.NCVH Tiểu v ùng sông Mê Kông

 
Đang trực tuyến: 38
Tổng lượt truy cập: 7666315
TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM QUẢNG TRỊ
Top
script type="text/javascript"> $(function () { $("#ScrollTop").click(function () { $('html, body').animate({ scrollTop: $("#tophead").offset().top }, 1000); }); if (document.body.offsetWidth <= 1024) { $(".wrapper:not(.wrapper2)").css("overflow", "hidden"); } }); var font = 13; function ChangeFont(add) { font += add; $("#body *").css("font-size", font + "px"); }